(BVPL) - Ngày 16/11/2016, Bộ Y tế đã  kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của Pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Cty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam. Qua đó, doanh nghiệp này đã bị xử phạt 25 triệu đồng vì để xảy ra nhiều sai phạm. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là qua vụ việc này, người tiêu dùng đã và đang đặt ra những dấu chấm hỏi về một thương hiệu đồ uống được coi là hàng đầu ở thị trường Việt Nam.
 
Những sản phẩm đồ uống có dán nhãn Pepsico Việt Nam nhưng không thể hiện nơi sản xuất, nhãn dán sơ sài...
Những sản phẩm đồ uống có dán nhãn Pepsico Việt Nam nhưng không thể hiện nơi sản xuất, nhãn dán sơ sài...
 
“Tên hàng hóa; tên địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa...” là những yêu cầu mà nhà sản xuất phải cung cấp, ghi rõ ràng, đầy đủ trên nhãn hàng hóa sản phẩm. Đó là điều kiện bắt buộc được quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ. Song, đối chiếu với quy định này thì trên một số sản phẩm của Pepsico Việt Nam không xuất hiện hoặc bị ẩn giấu. Sản phẩm là nước tăng lực Sting hương dâu tây đỏ là một ví dụ. Trên nhãn của chai nước này chỉ ghi là sản xuất bởi Cty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, cao ốc Sheraton, số 88 đường Đồng Khởi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Sản phẩm này có thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, thành phần... nhưng không cho thấy thông tin về địa chỉ sản xuất ra sản phẩm. Cụ thể của việc này, Pepsico Việt Nam có 5 nhà máy trực thuộc là: Nhà máy sản xuất nước giải khát đặt tại phường Thới An, Quận 12, TP. HCM; Chi nhánh Cty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam tại Đồng Nai, khu công nghiệp Amata, TP. Biên Hòa, Đồng Nai; Chi nhánh Pepsico Việt Nam tại khu công nghiệp Trà Nóc, TP. Cần Thơ; Chi nhánh Pepsico Việt Nam tại huyện Điện Bàn, Quảng Nam; Chi nhánh Pepsico Việt Nam tại khu công nghiệp VSIP, Bắc Ninh. Tức là sản phẩm Sting hương dâu tây đỏ phải được ghi ở 1 trong 5 nhà máy nêu trên. Việc chỉ ghi trụ sở của Pepsico là chung chung, không rõ ràng.
 
Cần biết, trước khi thanh tra, Pepsico cũng từng “mắc lỗi” với khách hàng. Công ty này đã nhiều lần bị khách hàng tố mua phải sản phẩm bị lỗi, có dị vật. Người tiêu dùng chưa quên sản phẩm trà Ô Long Tea + Plus có dấu hiệu lừa dối với hoạt chất OTPP.
 
 
Dư luận còn đặt dấu hỏi về việc Pepsico Việt Nam sử dụng 78 loại nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm để sản xuất. Bao gồm 21 loại nguyên liệu thực phẩm và 57 loại phụ gia thực phẩm. Công ty Pepsico Việt Nam tự nhập khẩu 15 loại nguyên liệu thực phẩm có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau, còn 6 loại thì mua trong nước. Về phụ gia thực phẩm có 57 loại. Trong đó Pepsico Việt Nam tự nhập khẩu 49 loại có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau, 08 loại mua của các nhà sản xuất trong nước. Vấn đề quan tâm ở đây là việc không chỉ rõ các nguyên liệu này được nhập khẩu từ các quốc gia khác nhau là quốc gia nào? Đó là những quốc gia hay chỉ là vùng lãnh thổ. Dư luận đánh giá đây là những thông tin thiếu minh bạch. 
 
Người tiêu dùng càng băn khoăn hơn là thông tin từ doanh nghiệp này cho thấy các nhà máy của Pepsico Việt Nam hiện đại, khép kín từ khu vực sản xuất đến công đoạn thổi chai và đóng gói thành phẩm đến kho nguyên liệu, kho thành phẩm, kho bao bì, tuy nhiên qua xác minh của Thanh tra Bộ y tế,  Pepsico Việt Nam hiện còn hợp tác với các đơn vị khác để gia công sản phẩm. Đó là Nhà máy Tribeco (Khu công nghiệp VISIP, Bình Dương); Nhà máy Bia Sài Gòn miền Trung (Khu công nghiệp Phú Tài, tỉnh Bình Định); Nhà máy Nihon; Nhà máy Kirin Việt Nam (đều ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bình Dương). Vậy, việc kết hợp trên là gia công những công đoạn, sản phẩm nào? Chỉ là kiểu mẫu, bao bì , vỏ... hay cả dây chuyền chế biến nguyên liệu. Đây là vấn đề người tiêu dùng Việt đang hết sức quan tâm.
 
Chừng nào Pepsico Việt Nam chưa có câu trả lời thỏa đáng những vấn đề nêu trên thì người tiêu dùng Việt Nam chưa thể an tâm với các sản phẩm của doanh nghiệp này.
 
Nhóm PV