Gạo giả ở đây không phải là gạo được làm từ nhựa hay chất liệu nào đó, mà là gạo này đội lốt gạo kia để trục lợi từ túi người tiêu dùng.

 


Những doanh nghiệp còn “đàng hoàng” một chút thì sử dụng hương liệu từ cây lá dứa (không phải cây dứa ăn quả - PV). Nhưng đó chỉ là số ít. Phần lớn những doanh nghiệp này sử dụng những loại hương liệu là hóa chất, trong đó nhiều loại không rõ nguồn gốc.

Và từ Cái Bè, mỗi ngày, một lượng “gạo thơm” không nhỏ đang được chở đi cung cấp cho hệ thống bán lẻ gạo ở TP HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Cũng theo doanh nhân này, ở Thốt Nốt (Cần Thơ), cũng có một số nhà máy dùng hương liệu hóa chất biến gạo thường thành gạo thơm nhưng quy mô không lớn như ở Cái Bè.

Đó là chuyện tẩm hương liệu hóa chất để biến gạo thường thành gạo thơm ở những khu vực đầu mối cung cấp gạo tiêu thụ trên thị trường nội địa. Còn ở TPHCM, gạo thơm để lâu, đã bị mất mùi, cũng đang được nhiều đại lý gạo phục hồi mùi thơm bằng các loại hóa chất.

Khi tới chợ hóa chất Kim Biên, trong vai người đi tìm mua hương liệu tạo mùi thơm cho gạo, chúng tôi đã tới đại lý Hải Hà. Một người bán hàng của đại lý này lấy ra cho chúng tôi xem một can nhựa không nhãn mác, bên ngoài chỉ ghi vọn vẹn chữ “hương lài”.

Người này nói đây là hương liệu tạo mùi thơm cho gạo. Gạo thơm để lâu đã bay hết mùi, chỉ cần đem hương liệu này pha loãng với nước, xịt lên gạo là gạo sẽ có mùi thơm như gạo hương lài mới.

Tình trạng dùng hóa chất để chống mối mọt cũng có ở một số đại lý gạo. Theo tiết lộ của ông Phạm Hậu, để tránh bị mối mọt tấn công, nhiều đại lý gạo đang sử dụng các hóa chất diệt côn trùng, trị mối mọt, nấm…

Bình thường, các đại lý đánh thuốc xung quanh khu vực để các bao gạo. Nhưng khi mối mọt đã “xông” vào tận trong bao gạo, nhiều đại lý đã không ngần ngại xịt thẳng thuốc vào trong gạo. Vì khi “chơi” thẳng thuốc vào gạo, không những sẽ diệt được những con mọt, mà còn làm cho hạt gạo có vẻ bóng bẩy, bắt mắt hơn.

Còn về việc tẩy trắng gạo bằng các loại hóa chất như bezoyl peroxide và calcium peroxide, mà nhiều nước đã cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm vì sự độc hại của chúng, ông Hậu cho biết cũng có những trường hợp này.

Tuy nhiên, khi trao đổi với NNVN, một số doanh nhân lâu năm trong ngành gạo lại cho rằng đó chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ. Ông Huỳnh Úc Phi Châu, GĐ Cty TNHH Gạo Sạch, phân tích: “Giá gạo thông thường trên thị trường Nam bộ bây giờ đang khá rẻ, chỉ 7.000-8.000 đ/kg. Muốn làm cho hạt gạo cũ  có màu trắng, người ta chỉ cần bỏ ra 200 đ/kg để đem đi lau bóng là xong.

Vì thế, có lẽ người ta không dùng hóa chất để làm trắng gạo cũ, bởi sẽ làm đội chi phí lên nhiều. Còn nếu dùng hóa chất để tẩy mốc, chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ, ở quy mô nhỏ”.

Có một điều mà hầu hết các doanh nghiệp trong ngành gạo đều thống nhất với nhau rằng, trong khi gạo xuất khẩu buộc phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, ATTP, được khách hàng nước ngoài kiểm tra kỹ, thì gạo tiêu thụ nội địa lại đang bị bỏ lỏng hoàn toàn về chất lượng, ATTP, ai muốn bán sao thì bán, muốn trộn, muốn tẩm hóa chất, hương liệu, muốn tùy ý đặt tên gạo thế nào… cũng chẳng sợ bị cơ quan chức năng nào tới “hỏi thăm”.
 

Theo Thanh Sơn
Nông nghiệp Việt Nam

.