“An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là lĩnh vực có tính đặc thù do nhiều cơ quan quản lý, liên quan mật thiết đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Do đó, để hướng đến an toàn thực phẩm cần tăng cường phối hợp và thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của từng ngành liên quan”, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nhận định trong đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 vào đầu năm 2017.
 
 
Sạch từ nơi sản xuất
 
Công tác quản lý của các ngành thường chỉ tập trung vào cơ sở sản xuất và kinh doanh bằng các hình thức như: tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, xử phạt theo lĩnh vực ngành phụ trách. Nhưng thực tế, chất lượng thực phẩm được quyết định ở tất cả công đoạn từ sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông đến tay người tiêu dùng. Do đó, nếu quản lý chặt chẽ ngay khâu sản xuất thì hiệu quả kiểm soát ATVSTP càng cao.
 
Thời gian gần đây, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và nhiều thực phẩm sản xuất không an toàn được các cơ quan báo chí thông tin như: rau muống bào ngâm hóa chất, bơm nước để tăng trọng cho heo, bò trước khi giết mổ… Điều đó cho thấy việc quản lý thực phẩm ngay từ nơi sản xuất là rất cần thiết. Bởi “diệt cỏ phải diệt tận gốc”, muốn đẩy lùi nguy cơ mất ATVSTP phải đi từ cái gốc, cái rễ. Theo bác sĩ Trần Văn Mướt, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Bến Tre, nguyên nhân các vụ ngộ độc đều nghi ngờ từ nguồn nguyên liệu. Mà trên địa bàn tỉnh chủ yếu là mặt hàng nông nghiệp, chính khâu sản xuất là nơi tiềm ẩn những nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
 
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, trong sản xuất nông nghiệp, quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ sẽ góp phần hạn chế việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, các chất tăng trưởng, kháng sinh… trong cây trồng và chăn nuôi. Ngành luôn khuyến cáo người dân sản xuất giảm hàm lượng phân, thuốc hóa học  hướng đến sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Theo ông Buội, ngành nông nghiệp đang hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ. Trên địa bàn tỉnh cũng đã có vài mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ như ở Bình Đại, Ba Tri. Đó là những bước đi đầu tiên hướng đến “sạch từ sản xuất đến bàn ăn”.
 
Đến hộ gia đình
 
Thực tế hiện nay, do thu nhập thấp nên vẫn còn tình trạng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo ATVSTP. Bên cạnh đó, do thói quen nên việc sử dụng các loại thực phẩm không an toàn, thực phẩm hư hỏng, biến chất vẫn còn xảy ra. Theo đánh giá của ngành chức năng, đây chính là nguyên nhân gây nên các vụ ngộ độc thực phẩm.
 
Theo bác sĩ Mướt, việc lựa chọn sử dụng thực phẩm kém chất lượng xem như đồng lõa với người sản xuất không an toàn. Do đó, hơn ai hết chính từ cá nhân, gia đình, người tiêu dùng phải nâng cao ý thức của bản thân về ATVSTP. Chọn thực phẩm an toàn là điều kiện cần có. Ngoài ra, mỗi hộ gia đình phải thực hành vệ sinh tốt từ khi đi mua thực phẩm tới lúc bày thực phẩm lên bàn ăn.
 
Bởi lẽ, sử dụng các loại thực phẩm ôi thiu, nấm mốc, kém chất lượng hay những thức ăn để quá lâu và không được bảo quản sau khi chế biến… là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc. Vì sức khỏe của bản thân và gia đình, người tiêu dùng phải thay đổi thói quen và chọn lựa thực phẩm đảm bảo thì mới ngăn chặn các mối nguy cơ mất an toàn vệ sinh, gây nguy hại đến sức khỏe. “Không có cầu thì sẽ không có cung, do đó, cộng đồng phải chung tay tẩy chay thực phẩm không an toàn, kém chất lượng để bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân và gia đình” - bác sĩ Mướt khẳng định.
 
Phối hợp quản lý
 
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các ngành  y tế và các ngành công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn trong công tác quản lý ATVSTP trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngành y tế cần thể hiện rõ trách nhiệm và chức năng của mình trong Ban chỉ đạo liên ngành. Cần cụ thể hóa Luật An toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật. Đồng thời chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch, giải pháp để thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường các quy chế phối hợp trong kiểm tra và đẩy mạnh tập huấn công tác quản lý tại cơ sở.
 
Xác định vấn đề ATVSTP là nhiệm vụ chung của tập thể, Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre cũng đã xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2017 - 2020. Chương trình hướng đến năm 2020, 100% ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát ATVSTP; 100% xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận văn minh đô thị phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm.
 
Bà Đặng Thị Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre, kể từ năm 2017, với chương trình phối hợp, vai trò của các ngành sẽ xác định cụ thể, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hy vọng sẽ chặt chẽ hơn. Trong đó, tập trung tuyên truyền và siết chặt hơn nữa vai trò phối hợp quản lý, đặc biệt là quản lý thực phẩm tại nguồn, khuyến khích người nuôi trồng ý thức giữ gìn thực phẩm sạch hướng đến bữa ăn an toàn cho người tiêu dùng.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bến Tre: “Ngành sẽ tăng cường công tác phối hợp để kiểm tra và phúc tra các bếp ăn tập thể trong phạm vi quản lý của ngành. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở doanh nghiệp trong việc chăm lo quyền lợi của công nhân, đặc biệt bữa ăn ca sao cho hợp vệ sinh và dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp năng lượng hợp lý, thỏa nguyện vọng của người lao động”.
 
Theo Phan Hân (Báo Đồng Nai)
.