Bộ GTVT sẽ căn cứ vào từng dự án cụ thể cùng với nhà đầu tư đàm phán với ngân hàng để có lộ trình tăng - giảm phí cho phù hợp.
 


Giải pháp được Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đưa ra trong trường hợp này là, Bộ GTVT sẽ căn cứ vào từng dự án cụ thể, nhà đầu tư sẽ đàm phán với ngân hàng để có lộ trình tăng - giảm phí phù hợp.

“Đây là hai vấn đề phải xử lý đồng thời. Việc tăng phí là cần thiết, còn tăng như thế nào nhà đầu tư phải làm việc với từng dự án để có giải pháp cho phù hợp. Nếu theo như Bộ Tài chính là do có vướng mắc về mặt văn bản thì dù có 20 Thông tư hay hàng trăm Thông tư, nếu cần thay đổi vẫn phải thay đổi. Thế nhưng, thay đổi đó như thế nào để phù hợp với thực tiễn hiện nay là điều cần phải cân đối giữa việc hoàn vốn của nhà đầu tư, sức chịu đựng của người dân và đảm bảo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Thu phí cùng lúc cho nhiều dự án BOT giá phải cao hơn

Giải thích tình trạng một số trạm thu phí BOT có mức thu cao hơn nhiều so với các trạm thu cùng loại, khiến nhà xe, tài xế phản ứng dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT đã thống nhất với tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước nên thống nhất một giá vé để có sự cân bằng giữa các doanh nghiệp, giữa các vùng đều có một giá như nhau. Tuy nhiên, một số trạm do sức ép đầu tư; trạm thu phí cho nhiều dự án BOT cùng lúc nên giá vé tại các trạm BOT tập trung này thường cao hơn tại các trạm BOT khác.

Thứ trưởng lấy ví dụ: Trạm BOT Bến Thủy (Nghệ An) thu phí cho 4 dự án BOT cùng lúc bao gồm Dự án đường tránh TP Vinh; Đường tránh TP Hà Tĩnh; Cầu qua Quốc lộ 46 và cầu Nghi Xuân.
 

Với 4 dự án BOT này, nếu chia ra thành 4 trạm thu phí sẽ bị phân tán và không đủ cự ly theo quy định. Nhưng nếu áp dụng mức thu qua trạm này chỉ là 30.000 đồng/lượt như những trạm BOT khác sẽ không đảm bảo thời gian hoàn vốn. Từ đó nhà đầu tư đã thống nhất thu 45.000 đồng/lượt qua trạm nên người dân khi đi qua đã xuất hiện tâm lý đã bị thu quá nhiều.

“Bộ GTVT đã thống nhất với các địa phương, nghiên cứu với trường hợp những hộ đi qua trạm BOT thường xuyên sẽ tiếp tục giảm giá vé tháng. Điều này vừa là để nhà đầu tư có thể giữ vững chu kỳ tăng giá của Bộ Tài chính, mặt khác người dân khi qua trạm chỉ phải chịu mức giá hợp lý nhất, có thể chấp nhận được trong suốt quá trình thu phí hoàn vốn từ 10 - 15 năm”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.

Đối với các trạm thu phí tuy được đặt ở tuyến đường này nhưng lại thu phí hoàn vốn cho tuyến đường khác, như trạm Quốc lộ 5 cũ hay trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Nhà nước có chủ trương sẽ mua lại các trạm thu phí này, tuy nhiên áp dụng thời điểm nào phải phụ thuộc sức phát triển của nền kinh tế. Trong trường hợp đó, Nhà nước không mua lại trạm để hoàn vốn cho nhà đầu tư một lần, chỉ là thay nhà đầu tư thu phí và sẽ trích một phần tiền thu hàng năm để trả lãi cho ngân hàng./.

 

Theo VOV

.