leftcenterrightdel
 Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP.HCM trả lời phỏng vấn.

PV: Đồng chí cho biết về thực trạng về tình hình giao thông trên địa bàn TP.HCM hiện nay như thế nào?

Trung tá Huỳnh Trung Phong: Giao thông trên địa bàn thành phố luôn là vấn đề nhức nhối khi tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn thành phố xảy ra 2.659 vụ TNGT đường bộ, làm chết 553 người, làm bị thương 1.771 người. Tổng số va chạm giao thông xảy ra 2.122 vụ, làm 1.292 người bị thương. Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 01 vụ, làm 01 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này thì có nhiều, như: do sự lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân và ý thức của người tham gia giao thông chưa được cải thiện nhiều trong những năm gần đây. Bên cạnh đó cũng phải kể đến hạ tầng giao thông của thành phố còn quá nhỏ hẹp, vỉa hè thì bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh buôn bán, để xe ôtô... dẫn tới tình trạng người tham gia giao thông bị khuất tầm nhìn, nhiều đoạn đường xuống cấp quá nhanh có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

PV: Trước thực trạng đó, từ đầu năm 2018 đến nay, Phòng CSGT ĐB –ĐS Công an TP.HCM đã đề ra những giải pháp nào mang tính hiệu quả cao để bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bản thành phố?

Trung tá Huỳnh Trung Phong: Được sự quan tâm của các cấp chính quyền thành phố, Phòng CSGT ĐB-ĐS đã chủ động tăng cường tham mưu cho lãnh đạo các cấp tiến hành đồng bộ các giải pháp đảm bảo TTATGT với phương hướng trọng tâm sau: Nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Ban Giám đốc CATP, lãnh đạo thành phố chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị cùng thực hiện các giải pháp kéo giảm TNGT, tăng cường kiểm tra, xử lý trật tự lòng lề đường, phòng chống đua xe trái phép, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng, góp phần duy trì đảm bảo TTATGT trên địa bàn thành phố.

Thực hiện nghiêm phương án bố trí lực lượng điều khiển giao thông, tuần tra kiểm soát đảm bảo TTATGT với sự phối hợp có hiệu quả cùng nhiều lực lượng khác như công an phường, xã, thanh niên xung phong, thành đoàn....; tập trung xây dựng kế hoạch phòng chống ùn tắc giao thông tại 04 cụm trên địa bàn thành phố, kết hợp với xử lý chuyên đề tại với các “điểm đen”, “tuyến đường đen”, “giờ đen” về TNGT; nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (cả về số lượng và chất lượng), tăng cường xử lý mạnh chuyên đề trọng tâm trong từng thời điểm trên địa bàn đảm trách.

Thường xuyên phối hợp các đơn vị thuộc ngành Giao thông vận tải khảo sát các bất hợp lý về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông đường bộ (về vạch sơn, cọc tiêu, biển báo, đèn báo hiệu; tổ chức tuyến đường một chiều, phân luồng, phân làn xe; phương án tách dòng phương tiện mô tô và ô tô; các yếu tố do kỹ thuật cầu, đường gây mất an toàn giao thông…) để kiến nghị khắc phục.

Phối hợp với các cơ quan, ban ngành thực hiện nhiệm vụ của các Tổ phản ứng nhanh, giải quyết sự cố tại khu vực Cảng Cát Lái, cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Đồng thời tham mưu các cấp tiến hành các giải pháp đảm bảo TTATGT đường sắt, thực hiện hiệu quả Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 16/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại TTATGT đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020.

PV: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP.HCM xảy ra bao nhiêu trường hợp vi phạm giao thông? Xin cho biết một số vụ phức tạp, khó xử lý và một số vụ việc điển hình về vi phạm an toàn giao thông?

Trung tá Huỳnh Trung Phong: Số vi phạm trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay xảy ra 263.040 trường hợp; đã thực hiện quyết định được 129.421 trường hợp, nộp kho bạc Nhà nước với số tiền là trên 92 tỷ đồng.

Một số vụ phức tạp, khó xử lý và điển hình về vi phạm an toàn giao thông:

Ngày 16/8/2018, Đội CSGT Cát Lái cùng Đội TTGT Số 5 phối hợp kiểm tra xử lý trên đường dẫn cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Khoảng 11h20 cùng ngày, tổ công tác phát hiện xe ô tô biển số 86A-061.87 có biểu hiện vi phạm. Đồng chí Thượng úy Lê Trung Hiếu (cán bộ Đội CSGT Cát Lái) đã ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra. Sau khi dừng phương tiện, tài xế có thái độ bất hợp tác, không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng chức năng, sau đó lên xe và bất ngờ tăng tốc bỏ chạy, làm 01 đồng chí thuộc Đội TTGT số 5 bị ngã xuống đường gây sây sát. Tổ công tác Đội CSGT Cát Lái dùng xe mô tô truy đuổi, đến gần Trạm thu phí cao tốc thì dừng được phương tiện, đưa tài xế cùng phương tiện về Công an phường An Phú, Quận 2 để tiếp tục xử lý. Qua xác minh nhanh, tài xế tên là Phạm Duy Hân (sinh năm 1975, thường trú: Tánh Linh, Bình Thuận), có tiền sự về chống người thi hành công vụ. Công an Quận 2 đã tạm giữ đối tượng để tiếp tục điều tra làm rõ.

Tiếp đó, vào lúc 20h20 ngày 17/08/2018, tại chân cầu đi bộ số 1 Quốc lộ 1 thuộc Xã Tân Kiên, Huyện Bình Chánh, Tổ chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn quốc tế do Đội CSGT An Lạc làm nhiệm vụ. Trong lúc làm nhiệm vụ, tổ công tác phát hiện ôtô biển số 51F-91.367 chở theo nhiều bao tải nhỏ, tiến hành kiểm tra phát hiện 1.200 cây thuốc lá không rõ nguồn gốc. Qua nắm tình hình ban đầu, đối tượng tên Phạm Tấn Đạt, sinh năm 1983, ngụ ở 225 KV5, TT Hiệp Hòa, Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Sự việc đã bàn giao cho Công an xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh thụ lý.

Một vụ việc phức tạp khác về trật tự an toàn giao thông xảy ra vào ngày 27/08/2018 và 29/08/2018 diễn ra trận bóng đá của đội tuyển U23 Việt nam tham dự vòng bán kết giải đấu ASIAD 2018. Nhận thấy tình hình có những diễn biến phức tạp về trật tự an toàn giao thông, Phòng CSGT ĐB-ĐS đã chủ động bố trí lực lượng trực chiến 100% quân số và phối hợp với các phòng nghiệp vụ, như: Phòng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Công an Quận 1,3, 5 tăng cường công tác TTKS nắm tình hình. Sau khi trận đấu kết thúc người dân từ khu vực Phố đi bộ Nguyễn Huệ quận 1 tỏa ra các hướng quận 3, 4, 5 trên các đường Tôn Đức Thắng , Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Cừ…  bằng các phương tiện cá nhân cùng với quốc kỳ, băng rôn biểu ngữ “Việt Nam vô địch”. Nhận thấy tình hình TTATGT có diễn biến phức tạp, lãnh đạo Phòng CSGT đã trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo các lực lượng chốt chặn, xử lý các đối tượng quá khích. Kết quả đã xử lý được 32 vụ lưu thông thành đoàn; 01 vụ dàn hàng ngang. Tình hình TTATGT được bảo đảm trong những đêm U23 tham gia thi đấu.

PV: Hiện nay ở một số địa phương, có một số trường hợp bị tâm thần vẫn được cấp bằng lái xe B2. Vậy, trên địa bàn Thành phố, Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP.HCM có phát hiện xử lý những trường hợp nào như vậy? Hiện có thống kê về số lượng người tâm thần mà vẫn được cấp bằng lái?

Trung tá Huỳnh Trung Phong: Phòng CSGT ĐB-ĐS chưa phát hiện được trường hợp nào bị tâm thần được cấp giấy phép lái xe và không có thống kê về các trường hợp này.

PV: Trong thời gian vừa qua, có nhiều trường hợp người vi phạm giao thông cãi cọ, quay clip…với lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông. Liên quan đến vấn đề này, Phòng CSGT có những phương pháp giao tiếp, ứng xử như thế nào?

Trung tá Huỳnh Trung Phong: Phòng CSGT ĐB-ĐS đã có những giải pháp thực hiện như sau: Căn cứ Thông tư số 27 của Bộ Công an về văn hóa ứng xử, Phòng đã ban hành tiêu chí về xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, đồng thời trang bị cho mỗi CBCS cẩm nang về văn hóa ứng xử của lực lượng CSGT; Thành lập đường dây nóng (số điện thoại 0994.67.67.67), địa chỉ email (hộp thư điện tử: csgt-dbds.ca@tphcm.gov.vn) để tiếp nhận thông tin phản ánh liên quan CBCS; Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về văn hóa ứng xử, lễ tiết tác phong và cho CBCS viết cam kết không vi phạm quy trình công tác, điều lệnh CAND, văn hóa ứng xử. Cùng với đó, đề ra các giải pháp, biện pháp xử lý các tình huống thường xảy ra để quán triệt đến tất cả CBCS, nhằm trang bị cho mỗi CBCS khi thực hiện nhiệm vụ đều có kiến thức, bản lĩnh vững vàng để giải quyết các tình huống.

PV: Những giải pháp tiếp theo để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong những tháng cuối năm và trong thời gian tới?

Trung tá Huỳnh Trung Phong: Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của CATP, Phòng CSGT ĐB-ĐS thực hiện các công tác đảm bảo an toàn giao thông  như sau: Tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo thành phố, Ban Giám đốc CATP chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phối hợp cùng thực hiện công tác kéo giảm TNGT. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền cho người dân nắm được các quy định của pháp luật về giao thông và hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý của lực lượng Cảnh sát giao thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Duy trì thực hiện nghiêm phương án bố trí lực lượng đảm bảo TTATGT, phối hợp có hiệu quả với các lực lượng trong công tác điều khiển giao thông, tăng cường xử lý mạnh chuyên đề trọng tâm trong từng thời điểm trên địa bàn thành phố. Tiếp tục triển khai Phương án phòng chống ùn tắc tại 4 cụm ùn tắc giao thông, huy động tối đa lực lượng tập trung các giải pháp nhằm phòng, chống ùn tắc giao thông, kéo giảm TNGT tại 04 cụm trên địa bàn thành phố; đồng thời mở cao điểm phòng chống tụ tập, đua xe trái phép đến hết năm 2018.

Tăng cường công tác kiểm tra của Ban Chỉ huy các cấp đối với việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, quy trình công tác; đảm bảo tư thế, tác phong người chiến sĩ CAND trong quá trình thi hành công vụ, hạn chế thấp nhất tình trạng sai phạm, nhũng nhiễu tiêu cực.

Xin cảm ơn đồng chí.

Phi Sơn – Nam Phong

Một số hình ảnh đẹp của các chiến sỹ Phòng CSGT Công an TP.HCM:

leftcenterrightdel
 Giúp dân thu gom nước ngọt khi xe bị tai nạn
leftcenterrightdel
 CSGT xúc cát tránh trơn trượt khi xe đổ nhớt xuống đường
leftcenterrightdel
Giúp cụ già qua đường
leftcenterrightdel
 Giúp người dân đẩy xe
leftcenterrightdel
 Điều tiết giao thông trong mưa