Ngày 23-7-2015, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đã chính thức có văn bản kiến nghị Chính phủ dừng thu phí đường bộ với xe máy từ 1-1-2016.

 


Bên cạnh đó, chế tài xử phạt được quy định tại Điều 11, Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính chưa khả thi, khó kiểm soát vì thẩm quyền xử phạt không phải do cơ quan công an mà do cơ quan thuế, thanh tra Sở chuyên ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp thực hiện. Do vậy, sau một năm đầu tiên thực hiện đóng phí, nhiều chủ phương tiện không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ cho các năm tiếp theo.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghĩa vụ còn hạn chế, chưa quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thu phí.

Hiện nay, việc thu phí phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự giác của người dân nhưng ý thức của một bộ phận người dân trong việc chấp hành nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ chưa cao, việc triển khai thu phí tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.

Ngoài ra, có sự di chuyển của một bộ phận lớn người dân làm việc và học tập ngoài tỉnh, mang theo xe máy nên có sự chênh lệch giữa kê khai thực tế và số liệu đăng ký trên địa bàn, dẫn đến khâu lập kế hoạch thu chưa chính xác.

Bên cạnh đó, có địa phương thực hiện thu, nhưng cũng có địa phương lại chưa thu hoặc dừng thu (như TP. HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa...) tạo nên sự không công bằng và tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Do đó, trong khi chờ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô từ ngày 1-1-2016.

Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cũng đề nghị giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan khác có liên quan nghiên cứu, điều chỉnh sửa đổi Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ theo hướng bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015.
 

Theo ANTĐ

.