Theo lưu ý của lãnh đạo Bộ Công thương, trong thời gian tới, sẽ xem xét việc cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện 1 lần, song không có nghĩa là chỉ luôn tăng mà có thể giảm giá thành.
Buổi họp báo về tình hình sản xuất công nghiệp - thương mại 6 tháng đầu năm 2012 diễn ra chiều nay (9/7) không có nhiều điểm khác biệt so với những lần gặp mặt báo chí khác tại Bộ Công thương. Câu chuyện điều hành giá điện và những vấn đề liên quan đến ngành điện vẫn là chủ đề được đưa ra trao đổi nhiều nhất tại hội trường.
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và Chính phủ vẫn đang dồn trọng tâm chính sách để tháo gỡ thì Tập đoàn Điên lực Việt Nam (EVN) lại ra quyết định tăng giá điện vào 1/7 vừa rồi. Cụ thể, giá điện bình quân đã tăng thêm 65 đồng/kWh (tương ứng tăng 5%) từ 1.304 đồng lên 1.369 đồng/kWh.
Theo giải trình của EVN, việc tăng giá điện được điều chỉnh dựa trên cở sở biến động các thông số đầu vào như giá than cho sản xuất điện tăng, giá khí cho nhà máy điện Cà Mau, giá dầu, tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và USD.
Về phía Bộ Công thương, cơ quan chủ quản và thông qua phương án tăng giá này, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực khẳng định, việc tăng giá điện lần này hoàn toàn tuân thủ theo Quyết định 24 của Chính phủ và Thông tư 31 của Bộ Công thương.
Theo đó, việc điều chỉnh đã có sự kiểm tra giám sát của cả hai bộ Công thương và Bộ Tài chính. Theo quy định, việc điều chỉnh giá điện được thực hiện 3 tháng 1 lần tùy vào tăng và giảm của thị trường. Theo hướng đó, sắp tới, cứ 3 tháng sẽ điều chỉnh một lần nếu các điều kiện cho phép, kể cả điều chỉnh tăng lẫn điều chỉnh giảm, ông Cường cho hay.
Đến đây, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải lưu ý, "điều chỉnh" có nghĩa là cũng có khả năng có giảm giá điện chứ không phải lúc nào cũng tăng giá. Việc điều chỉnh giá điện sẽ được Bộ Công thương và EVN thực hiện từng bước, không đường đột.
Ở một buổi tọa đàm về ngành điện hồi cuối tháng 6, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng từng khẳng định, việc điều chỉnh giá điện nếu có luôn luôn phải dựa trên những số liệu tin cậy đã được kiểm toán về hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN.
Theo đó, hàng năm các báo cáo của EVN đều được hoặc là kiểm toán nhà nước, hoặc là các tổ chức kiểm toán độc lập rà soát, kiểm soát, đánh giá. Và theo quy định của Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền phải dựa trên cơ sở những số liệu kiểm toán và kiểm tra thì giá điện mới được điều chỉnh chứ không phải tùy tiện.
Hôm 3/7, tại buổi họp báo chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng đều đã “nhắc khéo” ngành công thương cần “rút kinh nghiệm” để tạo sự đồng tình tốt hơn trong dư luận của người dân cũng như doanh nghiệp. Theo đó, cái “không khéo” của ngành điện là việc không làm tốt khâu tuyên truyền, công khai lý do tăng giá, khiến dư luận chưa đồng tình”.
Động thái tăng giá vừa rồi của EVN, mặc dù vừa rồi việc tăng giá điện là nằm trong lộ trình nhưng khi tăng lại công bố thông tin chưa tốt.
Được biết, lần tăng giá điện này dự kiến sẽ giúp EVN tăng doanh thu bán điện thêm 3.710 tỉ đồng, bù đắp vào phần tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước.
Kết thúc năm 2011, lỗ ở lĩnh vực kinh doanh điện của EVN là trên 10.000 tỷ đồng, cộng thêm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 15.000 tỷ đồng, toàn bộ số lỗ này đều phải hạch toán hết vào giá thành.
Trong khi đó, cho đến thời điểm hiện tại, ngành điện vẫn chưa giải quyết được vấn nạn thất thoát với mức tổn thất 9-10%. Năm 2012 mức tổn thất vào khoảng 9,2%. Theo tính toán của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm chỉ cần tiết giảm tổn thất được 0,93% thì EVN đã tiết kiểm được 200 tỷ đồng.
Theo Dan Tri