Như Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, ngày 25/5, Đại tá Trần Mưu – Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, Công an quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng đang phối hợp với Công an TP Huế điều tra làm rõ sự việc một công nhân bị tai nạn lao động tử vong tại một công trình trên địa bàn TP Đà Nẵng được một nhóm người thuê xe ô tô grab đưa ra TP Huế bàn giao cho người nhà mà không báo cho cơ quan chức năng.

Theo đó, anh Hoàng Trọng D. (SN 1981, trú phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào làm việc cho công ty CP Cơ điện Mecoco (địa chỉ tại đường Lê Văn Hiến, TP Đà Nẵng). Ngày 24/5, trong lúc thi công hệ thống dẫn điện tại dự án Condo 2 (107 đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn) do Công ty CP Khách Sạn và Du Lịch Thiên Thai (Ariyana Real Estate) – thuộc Tập đoàn Sovico Holdings làm chủ đầu tư, anh D. rơi từ tầng 16 của công trình xuống tầng hầm và tử vong.

leftcenterrightdel
Công trình nơi xảy ra tai nạn 

Khi anh D. tử vong do tai nạn, chủ đầu tư công trình và đơn vị sử dụng lao động đã không báo cho cơ quan chức năng mà thuê một chiếc xe dịch vụ grab chở thi thể anh D. ra TP Huế bàn giao cho người nhà.

Gia đình anh D. cho rằng, đơn vị thi công khuất tất việc không trình báo sự vụ lên cơ quan chức năng, chở thi thể nạn nhân phía sau cốp xe ôtô nên đã trình báo sự vụ tới công an địa phương. Ngay sau đó, công an TP Huế đã phối hợp với Công an quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng vào cuộc điều tra sự việc.

Xung quanh vụ tai nạn của anh D. luật sư Trần Hậu – Công ty luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng cho rằng, trong quá trình điều tra nếu cơ quan công an phát hiện có các hành vi vi phạm các quy định về an toàn lao động dẫn đến chết người thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn về nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

leftcenterrightdel
người nhà đón thi thể anh D. từ xe grab ô tô 

Theo luật sư Trần Hậu, trong vụ việc đáng tiếc vừa qua, trường hợp xác định được nạn nhân là người lao động tại Công ty CP cơ điện Mecoco thì Công ty phải thực hiện các trách nhiệm của người sử dụng lao động đã được quy định rõ tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Trong đó phải có trách nhiệm kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động và phải tạm ứng, thanh toán các chi phí cấp cứu, sơ cứu, điều trị; bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động; trợ cấp cho nhân thân người lao động…

Đồng thời, tại Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 cũng quy định rõ: Khi xảy ra tai nạn lao động làm chết người thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm khai báo ngay với cơ quan nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn lao động (ở đây là Sở Lao động thương binh xã hội (LĐTB-XH) TP Đà Nẵng) và Cơ quan công an cấp huyện (ở đây là Công an quận Ngũ Hành Sơn). Trên cơ sở các khai báo, Sở LĐTB-XH TP Đà Nẵng sẽ thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để tiến hành điều tra tai nạn (thu thập chứng cứ dấu vết, lấy lời khai của người biết sự việc, giám định pháp y, phân tích diễn biến, nguyên nhân gây tai nạn lao động, mức độ vi phạm, hình thức xử lý…), dù nạn nhân có đang làm việc theo hợp đồng lao động hay không.

 Người sử dụng lao động, các cá nhân liên quan đến tai nạn lao động phải có nghĩa vụ hợp tác với đoàn điều tra, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan và không được từ chối hay cản trở quá trình điều tra. Trong quá trình điều tra tai nạn lao động mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, đoàn điều tra phải báo cáo bằng văn bản kèm theo các tài liệu, chuyển giao đồ vật, phương tiện liên quan cho cơ quan điều tra để xem xét, khởi tố vụ án hình sự.

Trường hợp qua quá trình điều tra vụ việc tai nạn lao động có phát hiện có các hành vi vi phạm các quy định về an toàn lao động dẫn đến chết người thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn về nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm mà người vi phạm có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 1 năm đến 12 năm.

Trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) không khai báo hoặc khai báo sai sự thật về tai nạn lao động sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng (NSDLĐ là cá nhân), 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (NSDLĐ là tổ chức) theo điểm đ khoản 3 Điều 20 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

leftcenterrightdel
  Tấm sắt và áo bọc để bỏ thi thể anh D vào cốp xe đưa từ Đà Nẵng ra Huế

Trường hợp NSDLĐ không kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc không thực hiện các trách nhiệm khác theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 sẽ bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (NSDLĐ là cá nhân), 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (NSDLĐ là tổ chức) và buộc phải các thanh toán các chi phí thuộc trách nhiệm của mình theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

"Pháp luật cũng đã có các chế tài xử lý trong trường hợp NSDLĐ không thực hiện các trách nhiệm khai báo, kịp thời cấp cứu người lao động khi xảy ra tai nạn lao động. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ là những hình thức xử phạt còn rất thấp này mà là trách nhiệm giữa người với người, về khả năng còn có hay không khả năng sống sót của nạn nhân nếu được kịp thời cấp cứu, sự thật của vụ tai nạn cần được điều tra làm rõ và trách nhiệm của NSDLĐ trong việc thiết lập, áp dụng các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật để có thể hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra các sự việc đáng tiếc này", luật sư Trần Hậu nói.

Xuân Nha