Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn việc ứng xử, quy hoạch của Hà Nội với khu phố cũ sẽ không đơn giản như bảo tồn khu phố cổ. Hà Nội cần sửa ngay việc quy hoạch tầng cao công trình theo kiểu “ghế đẩu” mặt ngoài thấp, mặt trong lại cao.
Khu phố cũ được xác định nằm trong khu trung tâm lịch sử Hà Nội. Tới năm 1945, khu phố Pháp ở Hà Nội đã định hình với tổng diện tích khoảng 780 ha. Di sản kiến trúc khu phố Pháp thuộc tài sản kiến trúc quan trọng của Thủ đô, góp phần tạo nên đặc trưng diện mạo kiến trúc đô thị Hà Nội đặc biệt là khu vực trung tâm. Tuy nhiên, khu vực này đang đứng trước sức ép nội tại và thách thức của sự phát triển, nếu không được định hướng, quản lý, kiểm soát phát triển kịp thời sẽ có nguy cơ làm mất giá trị đặc trưng khu vực.
Theo đó, việc xây dựng quy chế quản lý lần này nhằm cụ thể hóa công tác quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố cũ Hà Nội theo Đồ án quy hoạch chung; Đề xuất các quy định mới phù hợp với Quy hoạch chung và đáp ứng việc bảo tồn, phát huy các giá trị của khu phố cũ; Xây dựng quy chế khung làm căn cứ để chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác quản lý, kiểm soát kiến trúc quy hoạch, cấp phép xây dựng, cải tạo…; làm cơ sở để lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị…
Dự thảo quy chế đề xuất: Khu phố cũ được phân làm 4 khu vực quản lý gồm: quận Ba Đình là 144ha, 58 ô, 43 tuyến phố; tại quận Hoàn Kiếm là 200,86 ha, 87 ô, 55 tuyến phố; ở quận Hai Bà Trưng là 143,24ha, 57 ô, 49 tuyến phố; và tại địa bàn Tây Hồ là 19,54ha, 4 ô phố và 3 tuyến phố.
Quy định quản lý với các tuyến phố trong dự thảo chi tiết đến những phần như chỉ giới xây dựng, đặc điểm dãy phố. Đối với những tuyến phố có nhiều biệt thự như Phan Đình Phùng, Trần Phú, Chu Văn An, Điện Biên Phủ, Tăng Bạt Hổ, Phạm Đình Hồ, Hàng Chuối, có chiều cao công tầng tối đa lớp ngoài 4 tầng (16m), khuyến khích chức năng dịch vụ, thương mại, không xây dựng thêm nhà ở. Với các tuyến phố lớn như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Tràng Thi – Tràng Tiền… khuyến khích các chức năng văn hóa, thể thao, thương mại, văn phòng…; hạn chế các công trình xây dựng có chức năng ở….
Tham luận tại hội nghị, ý kiến từ UBND quận Ba Đình nhận định: Đây là quy chế con nhằm triển khai quy chế chung: một số quy định còn áp đặt (ví dụ khung cao nhất của Thủ tướng là 7 tầng trong khi quản lý chỉ có 6 tầng). Trong quy chế quản lý này phải rõ các quy định giữa chính quyền với người dân, không sau này sẽ rất khó quản lý.
Bày tỏ thái độ chưa đồng thuận với bản dự thảo quy chế quản lý này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng, người soạn thảo quy chế khu phố cũ chưa hiểu rõ lịch sử, phân loại còn lộn xộn, thậm chí còn sai. Trong dự thảo quy chế, phần bảo tồn nói chung chung, cần phải phân loại rõ ràng, xác định rõ chức năng cụ thể, cái gì cần bảo tồn và cái gì không cần thiết. Việc ứng xử với khu phố cũ sẽ không dễ như với khu phố cổ vì chưa được Bộ VHTT&DL công nhận. Dự thảo cần nêu rõ hơn việc quản lý về cây xanh; sửa ngay quy hoạch kiến trúc kiếu “ghế đẩu” với quy định tầng cao mặt ngoài thì thấp nhưng trong lại cao.
Khác với ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cơ bản đồng tình với dự thảo quy chế này. Quy chế khu phố cũ đã bám sát theo dự thảo quy chế quy hoạch kiến trúc chung mà TP Hà Nội cũng đang soạn thảo. Trong các khu phố này, TP sẽ phải di chuyển một số công trình công cộng theo quy hoạch. Dự thảo quy chế đã đưa ra được các tiêu chí, phân loại các công trình, quy định không gian chiều cao các ô phố. Về hạ tầng kỹ thuật đã đưa ra được quy chế quản lý gắn với đặc thù của Hà Nội…
Tuy nhiên, theo Chủ tịch việc bảo tồn và phát huy giá trị công trình trước năm 1954 cần phân loại, đánh giá cái nào cần bảo tồn, cái nào không nên, đưa ra tiêu chí lồng ghép trong quy chế hoặc theo tiêu chí của Luật Thủ đô. Đối với những công trình được bảo tồn nhưng xuống cấp nguy hiểm, phải tháo dỡ, sẽ xây mới như thế nào?
Với một số vấn đề còn thiếu sót trên, Chủ tịch TP yêu cầu Sở QHKT tiếp tục hoàn thiện dự thảo.
Theo Hà Nội mới