Mới đây, khu “đất vàng” tại số 23 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM lại nằm trong danh sách hoán đổi cho Hợp đồng BT dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (GĐ1)”.
Ngày 7/8/2015, UBND TP.HCM cũng đã có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại số 23 Lê Duẩn. Số tiền “đặt cọc” đấu giá 83 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh cũng đã được chuyển vào kho bạc Nhà nước.
Tuy nhiên đã hơn một năm trôi qua kề từ ngày thắng cuộc trong đợt đấu giá nhưng Tân Hoàng Minh vẫn chưa triển khai. Mới đây, doanh nghiệp này đã gửi đơn trả lại đất vàng và đề nghị chính quyền TP.HCM hủy kết quả đấu giá ngày 23/6/2015 đồng thời tổ chức bán đấu giá lại theo đúng quy trình bán đấu giá, thực hiện theo đúng các bước giá cũng như các quy định có liên quan... vì cho rằng phương án đấu giá có sai phạm về bước giá.
Trong khi mọi việc còn đang chờ giải quyết thì khu “đất vàng” 23 Lê Duẩn lại nằm trong danh sách hoán đổi cho Hợp đồng BT dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (GĐ1)” của CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group). Dự án có tổng mức đầu tư 9.926 tỷ đồng, thời gian thi công 36 tháng. Theo hợp đồng, UBND TP.HCM sẽ thanh toán cho chủ đầu tư 16% giá trị bằng quỹ đất và 84% bằng tiền.
Theo đó, Trung Nam Group đã kiến nghị UBND TP.HCM và các sở ngành có liên quan xem xét bổ sung vào quỹ đất thanh toán cho dự án BT chống ngập mà doanh nghiệp này đang triển khai đầu tư bằng các khu đất đã đề xuất từ năm 2015. Trong đề xuất mới đây của Trung Nam Group có thêm 2 khu “đất vàng” ngay trung tâm Q.1 là 164 Đồng Khởi và 23 Lê Duẩn.
Trả lời về đề nghị chính quyền TP.HCM hủy kết quả đấu giá ngày 23/6/2015 đồng thời tổ chức bán đấu giá lại. Theo đại diện của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM cho biết, mọi quyết định về việc có hủy kết quả đấu giá hoặc tổ chức đấu giá lại hay không phụ thuộc vào các cấp có thẩm quyền, mà ở đây chính là UBND TP.HCM. Khi nào có quyết định thì trung tâm sẽ công bố rộng rãi trên hệ thống cổng thông tin điện tử của đơn vị này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng trước khi tham gia đấu giá, các doanh nghiệp đã có rất nhiều thời gian nghiên cứu, nghiền ngẫm và làm sao đưa ra phương án lựa chọn tối ưu nhất cho mình với kết quả có lợi nhất về mặt kinh tế. Điều quan trọng hơn, chính doanh nghiệp là người quyết định mức giá cuối cùng nên không có chuyện bỏ giá bị “hớ”.
Theo các chuyên gia nhận định, nếu thành phố chấp nhận đề nghị của Tân Hoàng Minh cho đấu giá lại, trả lại tiền cọc cho doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc thành phố sẽ “gánh” lấy phần thiệt hại về mình, bởi vì trong hơn 1 năm qua, khu đất vàng này bỏ hoang đã gây thất thu cho ngân sách của TP.HCM rất lớn.
Trao đổi với Báo Người Tiêu Dùng, đại diện của Trung Nam Group cho biết: “Chẳng biết làm sao chúng tôi lấy được đất cho đúng tiến độ. Hiện nay, thành phố cũng chưa có giao cái gì cho Trung Nam cả vì hợp đồng mới ký, thi công có khối lượng mới bàn đến chuyện thanh toán nên thành phố mới giao một số khu đất vàng để Trung Nam Group nghiên cứu trước”.
Hiện tại, phía Tân Hoàng Minh không đưa ra thêm bất kỳ bình luận gì về việc đúng hay sai khi ra giá để giành lấy khu đất vàng này và cũng chưa có bất kỳ động thái nào khi có thông tin khu đất vàng 23 Lê Duẩn sắp giao cho “đại gia” chống ngập Trung Nam Group tiếp quản.
Trước đây khu đất 23 Lê Duẩn là trụ sở Công ty Xổ số Kiến thiết TP.HCM. Trước đó, cuộc đua thâu tóm “đất vàng” 23 Lê Duẩn có sự tham gia của 13 “ông lớn” bất động sản như: Công ty Đại An, Trường Hải và ông Jonathan Hạnh Nguyễn... nhưng cuối cùng với việc bỏ giá 1.430 tỷ đồng thì Tân Hoàng Minh đã trở thành quán quân trong thương vụ đấu giá này. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong tất cả các cuộc đấu giá đất ở TP.HCM từ trước đến nay.
Theo NTD