Tỉnh “ban” ân huệ

Như Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin trong các bài viết: “Điều tra công ty địa ốc giả mạo giấy tờ “qua mặt” ngành chức năng”, và: “Để doanh nghiệp “qua mặt”, Sở Xây dựng... “rút kinh nghiệm sâu sắc””, tháng 7/2017, Công ty cổ phần (CTCP) địa ốc Đà Lạt đã giả mạo hồ sơ giấy tờ để “qua mặt” Sở Xây dựng Lâm Đồng và sau đó được cấp giấy phép xây dựng (GPXD) tại phần khuôn viên biệt thự cổ số 22 Hùng Vương (phường 10, TP. Đà Lạt), thuộc khu vực vành đai “Trục di sản Đông – Tây”: “Chỉ được sử dụng làm đường nội bộ, công viên hoa, sân vườn, không được xây dựng công trình”.

leftcenterrightdel
 Quyết định của tỉnh Lâm Đồng (bên trái) bị doanh nghiệp chỉnh sửa để “qua mắt” Sở Xây dựng.

Sau khi có GPXD, CTCP địa ốc Đà Lạt đã cho một số tổ chức, cá nhân, trong đó có Công ty TNHH tư vấn thiết kế đầu tư xây dựng Kiến Đại Việt (Công ty Kiến Đại Việt, trụ sở tại TP. Đà Lạt), thuê lại khuôn viên của ngôi biệt thự cổ này, để “xẻ dọc xe ngang” hết sức manh mún, tiến hành xây dựng bừa bãi, phá nát cảnh quan của một công trình xây dựng cổ cần được bảo tồn và lưu giữ.

Các công trình xây dựng lộn xộn trên được sử dụng với nhiều mục đích “thượng vàng hạ cám”, từ văn phòng làm việc đến nhà trọ bình dân, quán cà phê, quán ăn, cửa hàng mua bán… rất phản cảm, khiến người dân địa phương và du khách vô cùng bức xúc.

Đầu tháng 2/2018, sau khi phát hiện sai sót, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Xây dựng thu hồi GPXD nói trên, đình chỉ các công trình xây dựng, tháo dỡ để trả lại nguyên trạng khuôn viên của biệt thự; yêu cầu Công an tỉnh điều tra làm rõ hành vi giả mạo giấy tờ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau nhiều yêu cầu cưỡng chế, nhưng sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã “ban” ân huệ - cho gia hạn đến ngày 15/4 - để phía CTCP địa ốc Đà Lạt và các đối tác có thêm thời gian thuê đơn vị thẩm định giá trị tài sản trước khi tháo dỡ; đồng thời khuyến cáo, nếu quá thời hạn trên, phía chủ đầu tư không tự giác chấp hành, sẽ giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế theo quy định pháp luật.

Có hay không việc làm ngơ để doanh nghiệp bất chấp công luận(?)

leftcenterrightdel
Sau khi được gia hạn thời gian tháo dỡ, Công ty Kiến Đại Việt không những không tháo dỡ dứt điểm công trình mà còn ngang nhiên lắp đặt thêm bảng hiệu để mua bán kinh doanh.

Thế nhưng, đến chiều 18/5, tức là đã quá hơn 1 tháng so với mốc thời điểm 15/4 mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã gia hạn, nhưng theo ghi nhận của PV, các công trình bên trong khuôn viên của khu biệt thự cổ 22 Hùng Vương vẫn chưa được tháo dỡ hoàn toàn, để trả lại nguyên trạng.

Không những thế, Công ty Kiến Đại Việt lại tiếp tục ngoan cố trương thêm bảng hiệu: “Vườn ẩm thực Kiến Đại Việt”, rất bề thế ngay trước mặt tiền của khu biệt thự và tổ chức mua bán cà phê, dịch vụ ăn uống tại đây, bất chấp ngành chức năng, bất chấp công luận. Theo thông tin từ những người dân xung quanh thì việc trương bảng hiệu này đã diễn ra hơn 01 tháng nay và công nhiên tồn tại, kể cả việc mua bán hàng ăn uống.

Đến chiều 18/5, khi PV phản ánh và cung cấp hình ảnh sự việc, thì ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, mới biết và đã cử cán bộ xuống hiện trường để kiểm tra. “Chắc chắc là không thể để bất cứ công trình trái phép nào tồn tại trong khuôn viên khu biệt thự này được. Nếu doanh nghiệp vẫn cố tình không chịu tháo dỡ dứt điểm, Sở sẽ phối hợp với ngành chức năng cưỡng chế”, ông Trung một lần nữa khẳng định.

leftcenterrightdel
 Mặt tiền khuôn viên biệt thự 22 Hùng Vương trước khi tỉnh Lâm Đồng “ban” ân huệ.

Trước đó, liên quan đến sai sót này, ông Trung và 3 thuộc cấp của mình đã nhận hình thức kỷ luật: Kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc(!?). Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì trong việc kiểm tra, giám sát việc khắc phục hậu quả của doanh nghiệp. Nếu không nghiêm túc sẽ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ để xử lý dứt điểm.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này, khi thời gian tỉnh Lâm Đồng “ban” ân huệ cho doanh nghiệp đã hết hơn 01 tháng, nhưng không những công trình không được tháo dỡ hoàn toàn mà doanh nghiệp còn ngang nhiên tiếp tục “phô trương thanh thế”, vẫn tiếp tục duy trì buôn bán, kinh doanh, bất chấp công luận, bất chấp sự chỉ đạo, đốc thúc xử lý của UBND tỉnh Lâm Đồng(?)

Điều này không khỏi khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu có hay việc “trên nóng dưới nguội”; có hay không sự làm ngơ, bao che, dung túng của ngành chức năng cho doanh nghiệp này(?) Câu trả lời xin dành cho UBND tỉnh Lâm Đồng.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Tâm An