Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm nay từ 6,3 đến 6,5%.

Sáng nay (3/10), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9.

 

1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9.


Thủ tướng nhấn mạnh, với 22 nội dung khác nhau, đây là phiên họp nhằm mục tiêu hoàn thiện báo cáo đánh giá năm, trình Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 này. Chính vì vậy, chủ đề của phiên họp này là Phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững, nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất kế hoạch năm 2016 từ 6,3 đến 6,5%. Thủ tướng cho biết, nhiệm vụ này Chính phủ đã rà lại và báo cáo Bộ Chính trị. Dù chưa đạt mục tiêu 6,7% nhưng cũng là mức tăng trưởng cao.

Đánh giá tình hình tháng 9 và 9 tháng qua, Thủ tướng nhận định, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng tiếp tục đà phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, nhất là quý 3 đạt 6,4%, cao nhất trong 3 quý.

Thủ tướng cũng nêu lên thông tin đáng mừng trong tháng 9, đó là vốn đầu tư gián tiếp tăng, trong đó có nguồn vốn lớn từ các quỹ đầu tư gián tiếp như Vinacapital, Indochina. Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tăng khá cao; chỉ số chứng khoán tăng cao nhất trong 9 tháng qua; xuất siêu tăng; nguồn kiều hối đổ về mạnh và đầu tư nhiều vào hoạt động sản xuất. Số lượng doanh nghiệp tăng khá với trên 91.000 doanh nghiệp mới được thành lập, số vốn và quy mô doanh nghiệp tăng. Đặc biệt, niềm tin thị trường, niềm tin của xã hội của người dân và doanh nghiệp tăng.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng đánh giá có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là xuất khẩu tôm, chăn nuôi. Nếu nửa đầu năm nông nghiệp tăng trưởng âm 0,18% thì đến hết quý 3 đã tăng trưởng 0,65%.

Về văn hóa xã hội đã cũng có nhiều tiến bộ. Trong đó tại kỳ Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5, lần đầu tiên Việt Nam đứng nhất toàn đoàn với 139 huy chương các loại, trong đó có 52 huy chương vàng. Thủ tướng đánh giá, đây là thắng lợi trong lĩnh vực văn hóa xã hội. Cùng với đó, giáo dục đào tạo, môi trường, quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại có nhiều điểm sáng.

 

3
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm nay từ 6,3 đến 6,5%.


Trong nhiệm vụ xây dựng thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh, công tác xây dựng thể chế nhiều tiến bộ. Chính phủ đã trình 4 đề án quan trọng đối với việc phát triển đất nước năm 2017 và các năm tiếp theo ra Ban Chấp hành Trung ương; Chính phủ cũng đã trình các Luật đến Ủy Ban Thường vụ Quốc hội cơ bản chương trình, từ Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Riêng đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã ban hành tới 40 văn bản để chỉ đạo. Điều đó cho thấy Chính phủ rất tập trung trong công tác xây dựng thể chế.

Về thu chi ngân sách, Thủ tướng đánh giá dù phải tiếp tục phấn đấu, nhưng nhiều tỉnh đạt kết quả tốt; giải ngân vốn đầu tư có sự tiến bộ rõ nét. Thủ tướng cũng đánh giá tình hình an ninh trật tự giữ vững, dù có tình hình phức tạp xảy ra khi một số người dân bị kích động trong vụ cá chết ở miền Trung. Đến nay, Chính phủ đã tạm ứng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do cá chết ở miền Trung và đang chỉ đạo để các khoản hỗ trợ sớm đến người dân.   

Đối với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng cho biết, Tạp chí Tài chính Nikkei của Nhật vừa công bố Chỉ số tổng hợp về tình trạng ngành sản xuất (PMI) Việt Nam tháng 9/2016 là 52,9 điểm, cao hơn mức 52,2 của tháng 8 và là mức cao nhất trong 16 tháng qua. Đây cũng là mức cao hơn nhiều nước trong khu vực, như Trung Quốc và Nhật là 50,4; Indonesia 50,9, Thái Lan 48,8, khối ASEAN là 50,5. Điều này thể hiện việc tăng việc làm trong 5,5 năm qua.

PMI là một chỉ số tổng hợp, dùng đánh giá khái quát về hoạt động trong ngành sản xuất và đóng vai trò như một chỉ số hàng đầu cho toàn bộ nền kinh tế.  

Tuy nền kinh tế 9 tháng qua đạt nhiều tín hiệu tích cực, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tăng trưởng kinh tế mới đạt 5,92%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị năm nay phấn đấu GDP sẽ đạt 6,3 đến 6,5%. Để đạt mục tiêu này thì tăng trưởng kinh tế quý 4 phải đạt 7,1 đến 7,3%. Tuy đây là mục tiêu cao, nhưng Thủ tướng cho rằng vẫn có thể đạt được, bởi những năm trước quý 4 bao giờ cũng tăng cao hơn các quý trước đó và quý 4 năm nay nền kinh tế có nhiều điều kiện tốt hỗ trợ tăng GDP.

Về bức tranh nền kinh tế, Thủ tướng cho biết, Quốc hội giao Chính phủ 13 chỉ tiêu thì đến nay, 11 chỉ tiêu đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Chỉ còn 2 chỉ tiêu gần hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,3 đến 6,5% cũng là thể hiện nỗ lực cao của Chính phủ khi trước đó, ADB đánh giá Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng khoảng 6%.

Để thực hiện được nhiệm vụ tăng trưởng, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải quyết tâm cao và có giải pháp cụ thể. Cả bộ máy phải chuyển động, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. “Không phải chỉ có quyết tâm mà phải có giải pháp cụ thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,3 đến 6,5%. ADB nói Việt Nam đạt tăng trưởng 6% trong năm nay do khách quan như tình trạng cá chết ở miền Trung, hạn hãn, bão lũ, khai khoáng giảm. Ta phải quyết liệt vượt quá cái mà ADB nhận định”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại phiên họp này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải kiểm điểm các bất cập tồn tại, nhất là phản ứng chính sách cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam; rà soát lại những tác động của chính sách đã ban hành, để tháo gỡ kịp thời cho sản xuất kinh doanh, đạt mục tiêu tăng trưởng. Thủ tướng lưu ý, không chỉ tập trung vào nhiệm vụ tăng trưởng mà phải chú ý cả các chỉ tiêu xã hội, môi trường; không chỉ quan tâm chỉ tiêu 2016 mà cả chỉ tiêu 2017 và kế hoạch trung hạn 2016 – 2021.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành phải chú ý đến các cân đối lớn của nền kinh tế cả trước mắt và dài hạn, gắn với các mục tiêu đề ra. Thủ tướng cho rằng nếu không chỉ đạo quyết liệt, không cụ thể, thì chắc chắn thời gian đến việc cung cấp điện của Việt Nam, một cân đối lớn của nền kinh tế sẽ bị hẫng hụt. Nếu không nhìn thấy điều này thì sẽ là nguy cơ. “Năm nay nguồn điện đảm bảo vì GDP chưa đạt mục tiêu. Nếu tăng trưởng cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, đặc biệt chúng ta đang phấn đấu mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong 5 năm, và riêng năm nay trên 100.000 doanh nghiệp thì lượng điện tăng như thế nào? Do đó tầm nhìn về các cân đối lớn của nền kinh tế phải được đặt ra ngay tại kỳ họp này”, Thủ tướng cho biết thêm./.
 

Theo Vũ Dũng/VOV

.