Các dự án chung cư có mức giá trung bình, vị trí tương đối thuận lợi đang có sức hấp dẫn và tạo ra sự cạnh tranh khá gay gắt.

 


Ngày 5/11 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam chính thức ra mắt dự án căn hộ bình dân Gelexia Riverside, quận Hoàng Mai, Hà Nội với giá từ 18 triệu đồng/m2. Tuy thuộc phân khúc bình dân, nhưng theo quảng cáo của chủ đầu tư, dự án này có hơn 30 tiện ích, hệ thống bể bơi 4 mùa…

Cũng tại quận Hoàng Mai, dự án Osaka Complex có giá bán khoảng 18 triệu đồng/m2, nhưng được quảng cáo có bãi đỗ trực thăng trên nóc nhà cùng với đầy đủ tiện ích cao cấp. Với mức giá bán chỉ từ 16,5 triệu đồng/ m2, dự án Ecohome Phúc Lợi tại quận Long Biên cũng được giới thiệu có đầy đủ bể bơi, trường học,… đồng thời đạt chứng chỉ xanh quốc tế.

Dù mới chỉ là những quảng cáo, vẫn “nằm trên giấy”, nhưng các dự án được thiết kế, đầu tư tiện ích, hạ tầng đồng bộ thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Theo báo cáo của Công ty TNHH CBRE Việt Nam, trong 3 quý vừa qua, đã có hơn 14.000 căn hộ được bán ra, trong đó lượng căn hộ bình dân, trung cấp chiếm gần 50%. Trong quý IV, dự kiến sẽ có khoảng 3.000 căn hộ bình dân đủ điều kiện được chào bán ra thị trường. Điều này khiến cho thị trường bất động sản cuối năm diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các dự án bình dân, buộc các chủ đầu tư phải tính đến những phương án để kéo khách hàng về phía mình.

Ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, sự cạnh tranh trong phân khúc bình dân là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản, người mua nhà cũng sẽ được hưởng lợi.

“Khách hàng có xu hướng không chỉ đơn giản lựa chọn mua một chỗ để ở, đi liền với căn hộ phải cần các tiện ích, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đầy đủ. Để đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh giữa các sản phẩm bất động sản trên thị trường, các chủ đầu tư phải có các giải pháp. Giải pháp đưa thêm những tiện ích cho người sử dụng là một trong những biện pháp đang được các chủ đầu tư áp dụng”, ông Quang cho biết.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Cen Group cho biết, tại Hà Nội có hơn 100 dự án với khoảng 60.000 – 70.000 đơn vị sản phẩm, tại TP HCM có gần 200 dự án với trên 80.000 sản phẩm. Trong khi đó, lượng tiêu thụ mỗi năm chỉ đạt khoảng 20.000 – 30.000 sản phẩm.

Do đó, dù ở phân khúc bình dân, các chủ đầu tư cũng cần tìm ra các lợi thế cạnh tranh hữu hiệu, rõ nét và cụ thể, tránh việc chú trọng vào quá nhiều tiện ích nhưng chất lượng xây dựng lại không đảm bảo.

“Dự án phải có những yếu tố cạnh tranh rõ nét, đặc trưng, nổi trội và chỉ nên tập trung vào một số ít yếu tố cạnh tranh. Hiện nay khá nhiều dự án hơi tham lam, cái gì cũng có nhưng na ná giống nhau và không tạo ra được sự khác biệt. Nếu đạt được tất cả mọi thứ đều tốt sẽ lại có cái không tốt, đó là giá cả. Vì vậy cần lựa chọn cái gì là nổi trội, khác biệt hẳn của dự án sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh”, ông Hưng lưu ý.

Theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc thực hiện quy định phải có bảo lãnh ngân hàng mới được bán nhà hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014 vẫn chưa nghiêm túc.

Vì vậy, người mua nhà cũng cần tìm hiểu kỹ các điều kiện ràng buộc pháp lý của dự án, nhất là năng lực của các chủ đầu tư, tránh tình trạng mua những căn hộ với tiện ích vẽ trên giấy, sau đó chủ đầu tư lại thiếu vốn, không thể thực hiện được như quảng cáo ban đầu./.
 

Theo Lưu Huyền/VOV

.