Theo quy định của Chính phủ, các dự án bất động sản phải dành ra 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Tại Đồng Nai, đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội nhiều, nhu cầu lớn, nhưng chủ đầu tư lại chậm triển khai vì nhiều lý do.
 

Mới đây, trong cuộc họp về xây dựng nhà ở xã hội, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu: “Các địa phương rà soát lại tất cả quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội và yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng để giao cho địa phương. Các huyện, thị, thành phố xem xét nhu cầu có thì công khai dự án, địa điểm, diện tích để mời gọi nhà đầu tư có năng lực thực hiện”. Đồng thời, ông Vĩnh cũng nhấn mạnh, vốn đầu tư cho nhà ở xã hội đang thiếu nên với những vùng không có nhu cầu về nhà ở xã hội, địa phương có thể bán đấu giá diện tích đất đó lấy tiền để đầu tư nhà ở xã hội ở những nơi đang cần.


Ông Ngô Sỹ Bảng, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, nói: “Huyện không có nhu cầu về nhà ở cho công nhân, sinh viên nên nếu có dự án nào phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội, huyện sẽ đề nghị tỉnh cho đấu giá”.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó giám đốc Sở Xây dựng, để tránh lãng phí và sử dụng quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở có hiệu quả, các địa phương tùy theo tình hình thực tế cần đề xuất phương án xử lý cho phù hợp. Trường hợp khu vực đó không có nhu cầu về nhà ở xã hội thì bán đấu giá lấy tiền nộp quỹ phát triển nhà để đầu tư những dự án đang cần thiết nhưng thiếu vốn. Ngoài ra, địa phương có thể hoán đổi quỹ đất trên thành đất tái định cư cho các dự án.

Thực tế, tại những địa bàn công nghiệp phát triển ở Đồng Nai nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng đa phần nằm ở phân khúc giá rẻ, khó mời gọi nhà đầu tư, nên quỹ đất cho loại hình nhà ở này vẫn trong tình trạng thừa nhiều hơn thiếu.
 

Theo Báo Đồng Nai
.