Những nhà hàng từng đình đám với món ăn chế biến từ thịt bò Kobe như Vườn Thủ Đô, My Way... đã loại món xa xỉ này ra khỏi thực đơn. Vậy "số phận" của món ăn bạc triệu này hiện ra sao?
Hai trường hợp được đặt ra, một là các cơ sở kinh doanh gian lận giả mạo thịt bò Kobe để lừa người tiêu dùng, hai là xảy ra hiện tượng tạm nhập tái xuất, nhập lậu thịt vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Từ đó đến nay, câu trả lời cho vấn đề trên chưa được sáng tỏ.
Tuy nhiên, sau khi có quy định cấm niêm yết, quảng cáo món bò Kobe, các nhà hàng kinh doanh món ăn này đồng loạt xóa bỏ tên “bò Kobe” trên thực đơn, đồng thời từ chối phục vụ các món chế biến từ loại thịt này.
Hiện tại, những món ăn chế biến từ thịt bò Kobe gần như đã biến mất khỏi Hà Nội, song vẫn có nơi lấp lửng “sẽ cố gắng” tìm món bò này qua đường xách tay để phục vụ thực khách.
Nhà hàng My Way, trước đây nổi tiếng với món bít tết bò Kobe giá 2 triệu đồng/suất cho biết, từ lâu đã không kinh doanh món ăn chế biến từ loại thịt cao cấp này. “Có nhiều khách đến đặt bàn, gọi món từ thịt bò Kobe, nhưng nhà hàng không bán nữa, chỉ nhận món bít tết chế biến từ thịt bò Wagyu”, nhân viên nói trên tiết lộ.
Từ sau biến cố bò Kobe vào Việt Nam bằng chứng thư giả bị phanh phui, khách sạn Vườn Thủ Đô ở phố Láng Hạ - trước đây nổi tiếng với món phở bò Kobe giá gần 1 triệu đồng/bát cũng đã ngừng kinh doanh loại thực phẩm này. Nhân viên nhà hàng này quả quyết, đã không bán phở bò Kobe từ nhiều tháng nay và bày tỏ sự tiếc nuối vì đây là một món ăn ngon, tốt cho sức khỏe. Hiện, món phở đắt nhất tại nhà hàng này là phở bò Wagyu, giá 450.000 đồng/bát.
Một địa chỉ quen thuộc của những người yêu thích các món ăn về bò trước đây, tọa lạc tại khu trung tâm Hà Nội, cũng cho biết, hiện chỉ bán đồ ăn chế biến từ bò Úc, dù trên website vẫn quảng cáo món nướng từ bò Kobe.
Nhân viên cho hay, đã lâu không thấy khách đặt món ăn từ bò Kobe nhưng tiết lộ, nếu khách có nhu cầu, chị này sẽ hỏi phía quản lý xem có thể tiếp cận được nguồn bò Kobe xách tay về hay không. Hiện, giá món ăn làm từ bò Kobe là 1,7 triệu đồng cho một suất 200 gam, tương đương 8,5 triệu đồng/kg.
Cũng lấp lửng về khả năng cung cấp món bò Kobe cho khách Việt, một người kinh doanh trực tuyến các mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, có thể hỏi mối nhập hàng và xách tay về Việt Nam, nhưng giá cao hơn trước nhiều. Anh nói, từ đầu năm đến nay đã không nhận cung cấp bò Kobe cho các nhà hàng trong nước, nhưng thỉnh thoảng vẫn có mối hàng, nếu đặt trước.
Anh này cho biết, giá bò Kobe năm ngoái bán tại thị trường trong nước đã 4,5 triệu đồng/kg, có thời điểm đắt hơn. Do đó, những loại bò được quảng cáo là 2-3 triệu đồng/kg chắc chắn không phải bò Kobe chính hiệu.
Dù vậy, ngay tại thị trường Nhật Bản thời điểm năm 2011, giá mỗi kg bò Kobe đã phổ biến 500 USD (tương đương hơn 10 triệu đồng).
Gọi tên là bò Kobe, nhưng không ai dám khẳng định những loại thịt được quảng cáo là “xách tay trực tiếp từ Nhật Bản” là Kobe “xịn”.
Anh Thủy, quản lý một nhà hàng kinh doanh đồ ăn Nhật tại phố Kim Mã (Hà Nội) cho biết, vì không nhập thịt bò Kobe, nên chưa bao giờ anh dám công bố với khách là bán thịt bò Kobe mà chỉ nói là bò Mỹ, bò Úc.
Anh chia sẻ, chất lượng thịt loại bò này không thể so với Kobe, nhưng bò Úc loại ngon cũng có một vài điểm tương xứng với bò Kobe như vân mỡ đều, thịt mềm và thơm.
Còn theo một đầu bếp của nhà hàng nổi tiếng trên phố Lê Ngọc Hân, lần đầu tiên anh này được nhìn thấy bò Kobe xịn cách đây đã lâu. Miếng thịt được cắt khối nhìn như thỏi vàng, và nếu lạng mỏng, có thể ăn sống luôn được, giá cực đắt chứ không có chuyện chỉ vài triệu đồng một kg như một số người kinh doanh tại Việt Nam quảng cáo.
Hồi tháng 4, trên tờ Forbes, một phóng viên người Mỹ cũng tiết lộ về “cú lừa ngoạn mục” liên quan đến bò Kobe. Theo bài viết này, không chỉ người Việt Nam mà ngay cả người Mỹ cũng bị lừa ăn thịt bò Kobe nhái.
Những nhà hàng tại Mỹ quảng bá món thịt có nguồn gốc từ nơi khác. Bài báo nói trên cũng khẳng định, bò Kobe “thứ thiệt” chỉ có thể có ở Nhật Bản hoặc Macao.
Ở thị trường thứ hai là Macao, bò Kobe cũng chỉ mới xuất hiện từ năm 2011, còn trước đó là độc quyền của Nhật.
Theo Infonet