Nhà tái định cư và quyết tâm của tư lệnh ngành xây dựng TP.HCM
Cập nhật lúc 16:20, Thứ hai, 09/11/2015 (GMT+7)
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện thành phố đã hoàn thiện 5 dự án tái định cư với tổng số 2.210 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng 136.814 m2. Tuy nhiên, nhiều trong số căn hộ này hiện vẫn chưa có người ở, phần thì do bất cập tại những dự án, phần thì người dân tự chọn phương án nhận tiền tự lo nơi ở mới. (tái định cư, ngành xây dựng, người dân)
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện thành phố đã hoàn thiện 5 dự án tái định cư với tổng số 2.210 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng 136.814 m2. Tuy nhiên, nhiều trong số căn hộ này hiện vẫn chưa có người ở, phần thì do bất cập tại những dự án, phần thì người dân tự chọn phương án nhận tiền tự lo nơi ở mới.
Gặp khó nhiều khâu
Phát biểu trước báo chí xoay quanh vấn đề nhà tái định cư, ông Phạm Đăng Hồ, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và Trung tâm phát triển bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, đã đưa ra con số 32.000 căn hộ tái định cư trên địa bàn TP.HCM để phục vụ cho công tác di dời. Tuy nhiên, theo như lý giải của ông Phạm Đăng Hồ thì bản chất của nhà tái định cư là luôn trong tình trạng có sẵn để phục vụ cho công tác di dời. Do đó, nhà tái định cư chưa bố trí được người ở là chuyện có thể hiểu được.
Trong khi đó, lãnh đạo Ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng Q.Bình Tân chia sẻ với Báo Người Tiêu Dùng, khi nói về những khó khăn mà đơn vị này đang gặp phải tại dự án cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là gặp khó nhiều khâu. Được biết, hiện đã bước sang năm thứ 13 nhưng câu chuyện bồi thường, tái định cư cho nhiều hộ dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong dân và khiếu nại kéo dài. Vị này cho rằng: “Kinh phí bồi thường gặp nhiều khó khăn. Quỹ đất tái định cư không đủ, Q.Bình Tân không còn dự án đất nền để bố trí. Hơn 150 hộ dân được bố trí tái định cư tại Bình Chánh không đồng ý nhận căn hộ, nền đất vì xa, cơ sở vật chất không tốt”.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng các vấn đề liên quan đến tái định cư là rất phức tạp, khó khăn. Các công trình tái định cư là công trình lớn lại liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân cho nên không thể giải quyết ngày một ngày hai được.
Theo ông Tuấn, chưa kể những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức di dời cho các hộ dân mà những nhà quản lý còn đau đầu làm sao để cân bằng được giữa lý và tình, bởi hàng trăm hàng ngàn hộ dân mỗi người mỗi cảnh.
Người đứng đầu ngành Xây dựng TP.HCM cho biết, từ năm 1993 đến nay, thành phố đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho hơn 36.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch. Việc giải tỏa mấy chục ngàn hộ dân này đã góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, tổ chức lại cuộc sống cho 3.600 con người không phải là việc đơn giản, mà để giải quyết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự nỗ lực hết mình nếu không, rất khó thực hiện.
Nói về vấn đề dư thừa nhà tái định cư, ông Tuấn đánh giá, việc dư thừa chỉ mang tính tạm thời trong giai đoạn này. Mặc dù vậy, thực tế tình trạng nhà xây xong bỏ trống vẫn tràn lan tại các khu tái định cư và nhà nước hoặc chủ đầu tư sẽ phải tốn lượng kinh phí khủng để bảo trì cũng như vận hành. Đơn cử, dù không có người ở nhưng hàng năm tiền tỷ vẫn được bỏ ra để bảo trì khu tái định cư Vĩnh Lộc B, Bình Chánh.
Rõ ràng, dù gặp nhiều khó khăn nhưng những vấn đề bất cập trên thì vẫn cần phải có biệt pháp giải quyết không thể để tiền ngân sách thất thoát một cách trớ trêu như thế.
Theo NTD
.