Hiện những người rao bán hoặc cho thuê nhà thu nhập thấp đa phần là do “thừa nhà”, không có nhu cầu sử dụng.
Một chủ nhà khác tại đây đang rao bán căn nhà 70m2 với giá hơn 800 triệu đồng, đã có nội thất đầy đủ. Thậm chí, có căn 55m2 bán giá tới 900 triệu đồng do làm nội thất hiện đại, sang trọng. Như vậy, với giá mua ban đầu là 10,3 triệu/m2, sau khi bán lại, những người này sẽ lãi từ 100 đến vài trăm triệu đồng.
Chị Hương - người đã mua lại một căn ở tầng 7, tòa nhà A1-D3 vào năm 2014 cho biết, ở khu này rất nhiều người đã mua lại nhà và đến ở ổn định, chưa thấy có vấn đề gì xảy ra. Chị Hương tiết lộ, cách thức mua bán nhà theo kiểu “ngầm” với nhau, giấy tờ mua bán viết tay có công chứng, đợi đủ 5 năm thì chủ cũ sẽ làm thủ tục sang tên cho chủ mới.
“Nhà này tôi mua lại của chủ cũ, cơ bản là phải chốt phương án được với người bán nhà, phải biết được nguồn gốc người ta ở đâu, đến tận nơi để chốt phương án. Sau khi mua giữ lại vài chục triệu để sau này làm sổ đỏ người bán nhà sẽ phải có trách nhiệm sang tên cho mình. Hai bên thỏa thuận “ngầm” với nhau”, chị Hương cho biết.
Theo ông Lương Văn Phan, Trưởng Tòa nhà C1-D4, Phó Ban Quản trị khu nhà thu nhập thấp Đặng Xá giai đoạn 1, tại đây đang có không ít nhà hiện đang cho thuê lại với giá 3-3,5 triệu đồng, hoặc sắm sửa nội thất sang trọng rồi thỉnh thoảng đến ở cho vui. Như vậy nhà thu nhập thấp đã được bán không đúng đối tượng gây bức xúc cho cư dân - những người có nhu cầu thực sự về nhà ở.
“Có người mua nhà ở đây nhưng không ở, chỉ để nuôi chó hoặc chủ nhà thi thoảng mới xuất hiện trong khi nhà được đầu tư rất đàng hoàng. Hoặc có những phòng chủ mua không chỉ cho người khác thuê. Người thuê nhà lại nói rằng họ không có nghĩa vụ tham gia vào cộng đồng của tòa nhà”, ông Phan cho hay.
Như vậy có thể thấy rõ ràng, những người muốn bán nhà đều không có nhu cầu thực sự về nhà ở. Bằng cách nào đó, bằng các quan hệ cá nhân, một bộ phận người thu nhập cao đã qua vòng xét duyệt hồ sơ để mua được nhà thu nhập thấp.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, tất cả những người được mua nhà thu nhập thấp đều phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định, có xác nhận của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nhưng vấn đề là ở chỗ, những người ký xác nhận cho họ đã làm đúng hay chưa, người duyệt các hồ sơ mua nhà có cẩn thận hay không, thậm chí không loại trừ nhiều trường hợp nể nang, quen biết. Ban Quản lý dự án hoàn toàn có thể biết rõ các đối tượng thu nhập cao vẫn được mua nhà thu nhập thấp, kể cả những người đã bán trao tay.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, cần truy tới cùng trách nhiệm của những người liên quan đến việc bán nhà thu nhập thấp sai đối tượng, sai quy định, đồng thời thu hồi lại nhà của những đối tượng vi phạm.
“Trách nhiệm số một phải thuộc về những người duyệt hồ sơ. Trách nhiệm thứ hai là những người ký hợp đồng vào các văn bản. Và đặc biệt, đại diện dân cư ở đó hoàn toàn có thể biết nhà số bao nhiêu không có người ở, không đúng đối tượng. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như công an, liên quan đến quản lý hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng cũng hoàn toàn có thể biết được những người đó là ai và tại sao không ở. Nếu chúng ta làm triệt để thì có thể giải quyết được tình trạng này, nếu không sẽ tiếp tục vẫn có những người tiếp tục lợi dụng các chính sách của nhà nước để trục lợi cá nhân”, ông Hùng chỉ rõ.
Như vậy, không khó để có thể phát hiện những người đã lợi dụng chính sách ưu đãi cho người nghèo để trục lợi, cũng như những cá nhân, đơn vị đã không làm đúng trách nhiệm trong xét duyệt, thẩm định và quản lý nhà thu nhập thấp. Câu hỏi đặt ra là, liệu việc mua bán nhà sai đối tượng, sai quy định chỉ xảy ra ở khu nhà thu nhập thấp Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội hay còn ở đâu nữa?./.
Theo VOV