Thực tế, thang máy tại các chung cư cao tầng là phương tiện đi lại quan trọng và được sử dụng liên tục trong ngày. Bởi vậy, thang máy có thể là nơi dễ xuống cấp nhất trong các khu vực sử dụng chung của chung cư tại các thành phố, đô thị hiện nay, nếu không được thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng. 

leftcenterrightdel
TS. Nguyễn Văn Khải. 

Vào chiều ngày 29/11/2020, có 8 người lớn và 2 trẻ em đang sử dụng thang máy tại tòa chung cư B10A Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) thì bất ngờ thang máy đang di chuyển từ tầng 11 xuống đến tầng 5 thì bỗng nhiên bị rơi tự do khiến một cụ già 87 tuổi và một phụ nữ bị thương nặng. Các nạn nhân bị thương sau đó đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Được biết, tòa chung cư B10A Nam Trung Yên được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2012, do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư. Tòa nhà này được thiết kế 17 tầng, có 4 thang máy, 4 cầu thang bộ.

Thông tin từ UBND quận Cầu Giấy thì thang máy ở tòa chung cư B10A Nam Trung Yên đang chạy từ tầng 11 xuống đến tầng 5 bất ngờ bị rơi tự do xuống mặt đất khiến 2 người bị thương phải đưa vào viện cấp cứu.

Sau sự cố trên, nhiều cư dân tại tòa chung cư B10A khu đô thị Nam Trung Yên vẫn chưa hết bàng hoàng, bất an mỗi khi bước chân vào thang máy. Cư dân ở đây cũng đã nhiều lần than phiền về tình trạng bất ổn của thang máy tại chung cư này nhưng hậu quả lần này đã làm nhiều người bị hoảng loạn và 2 người bị thương nặng.

Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, tại các chung cư tái định cư, chung cư thu nhập thấp, thang máy rất ít khi được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên theo quy trình nghiêm ngặt về an toàn thang máy. Điều này đã dẫn đến tình trạng thang máy tại một số chung cư bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn rất lớn nguy cơ mất an toàn, mối nguy hiểm thường trực đối với tính mạng của cư dân. 

leftcenterrightdel
 Thang máy tại tòa chung cư B10A Nam Trung Yên, nơi xảy ra sự cố.

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải cho rằng: “Một trong những nguyên nhân khiến thang máy tại nhiều chung cư hiện nay mất an toàn đó là chủ đầu tư cố tình chây ỳ, chậm chuyển trả quỹ bảo trì nhằm tận dụng dòng vốn vào mục đích khác.

Thang máy chung cư tại phường Trung Hòa vừa rồi rơi tự do khiến nhiều người bị thương cũng có thể do công tác bảo trì, bảo dưỡng chưa được làm thường xuyên, định kỳ”.  

TS Nguyễn Văn Khải cũng đưa ra một nguyên nhân nữa gây mất an toàn về thang máy tại các chung cư ở thành phố, đô thị hiện nay đó chính là vấn đề kiểm định chất lượng thang máy trước khi đưa vào sử dụng cũng như việc bảo trì, bảo dưỡng trong quá trình vận hành, sử dụng.   

Cũng theo TS Nguyễn Văn Khải, hiện nay thị trường thang máy ngập tràn, vấn đề kiểm định, đánh giá chất lượng những loại thang máy này gần như bỏ ngỏ. Chúng ta đã có quy định về tiêu chuẩn thang máy tại các chung cư theo quy định của Việt Nam. Hiện nay, mỗi chung cư lắp một loại thang máy của một hãng khác nhau, nên cơ quan quản lý phải có quy chế vật liệu, thiết bị thang máy, đến việc kiểm tra định kỳ để bảo đảm thang máy vận hành trơn tru, hiệu quả, an toàn.  

“Nếu chúng ta cứ thả nổi vấn đề an toàn thang máy tại các nhà chung cư hiện nay thì quả thật là quá nguy hiểm. Nguy hiểm ở đây là sức khỏe, tính mạng của người dân. Bởi vậy, cần có những chế tài xử lý đối với những chủ đầu tư, ban quản trị lơ là, coi thường công tác bảo trì, bảo dưỡng thang máy”, TS Nguyễn Văn Khải nói. 

Trao đổi với phóng viên, anh Trần Hữu Tuân, Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu thang máy có kinh nghiệm trên 10 năm có trụ sở tại quận Hà Đông (TP Hà Nội) cho biết: “Tại chung cư hiện nay có 2 loại thang máy, một thang chở hàng và một thang chở người. Về nguyên tắc, thang chở hàng không được phép chở người vì loại thang này không có hệ thống chống rơi thang. 

Thang chở hàng có một sợi cáp duy nhất để chở hàng, bởi vậy nếu bị đứt cáp, rơi tự do chỉ xảy ra với thang chở hàng. 

Trong khi đó, thang chở người có hệ thống chống rơi thang. Nếu tốc độ thang máy rơi khoảng 100m/phút, hệ thống tự động chống rơi thang sẽ tự động được kích hoạt. Lúc đó thang máy sẽ dừng hẳn. Trong thang máy chở người có một dây cáp chống rơi thang tự do để bảo đảm an toàn. 

Như sự cố tại tòa chung cư B10A Nam Trung Yên vừa qua không gọi là rơi thang tự do mà đó là hiện tượng bị trôi thang. Nếu rơi thang tự do tức bị đứt cáp, toàn bộ lồng cabin thang máy sẽ rơi tự do lúc đó hậu quả sẽ nguy hiểm khôn lường. 

Nhưng việc rơi thang tự do gần như không thể xảy ra vì mỗi thang máy đều có cấu tạo ít nhất 3 dây cáp độc lập. Độ lớn dây cấp như phi 6, phi 8, phi 10 hay phi 12 phụ thuộc vào tải trọng thang máy. Trong trường hợp 1 dây cáp bị đứt cũng không thể rơi tự do”. 

Anh Trần Hữu Tuân còn cho hay: Trôi thang máy còn có thể do trục trặc về phần điện gây ra. Nguyên nhân là do việc bảo trì, bảo dưỡng không đúng quy trình. Như tòa chung cư B10A Nam Trung Yên có thể do vấn đề bảo trì bảo dưỡng, còn kết luận tại sao bị như vậy vẫn phải là do cơ quan chức năng. 

Cũng cần phải nói thêm, ý thức, trách nhiệm của người dân tại các chung cư cũng quyết định một phần sự an toàn của thang máy. Bởi, thang máy khi đi vào vận hành cần được làm vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng thang máy theo định kỳ. Công tác vệ sinh, bảo dưỡng thang máy giữ vai trò quan trọng giúp thang máy hoạt động ổn định, kéo dài tuổi thọ, vận hành trơn tru... 

Vũ Phương