Hồ sơ khảo sát địa chất không đúng với hiện trạng

Mới đây, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã ban hành kết luận thanh tra việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; trách nhiệm thực hiện quản lý đầu tư xây dựng các dự án, công trình tại Ban Quản lý dự án ĐTXĐ các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông. Trong đó, có công trình thủy lợi Suối Đá, ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong.

leftcenterrightdel
Công trình thủy lợi Suối Đá (xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong) có nhiều tồn tại và bất cập.

Công trình thủy lợi Suối Đá có tổng mức đầu tư 90 tỉ đồng từ nguồn vốn Ngân sách trung ương hỗ trợ. Mục tiêu của công trình sẽ đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới cho 1.000 ha cây trồng nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, tăng số lượng canh tác của lúa nước từ 1 vụ lên 2 vụ/năm. Đồng thời, tạo nguồn để cấp nước sinh hoạt ổn định cho hơn 1.750 hộ dân trong khu vực.

Dự án được khởi công xây dựng từ ngày 20/11/2017, thời gian thi công là 720 ngày. Sau đó, chủ đầu tư đã hai lần xin gia hạn thời gian thi công và được UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý gia hạn đến ngày 31/12/2021.

Liên quan đến vấn đề này, theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, năm 2017, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Anh Khoa Nghệ An (Công ty Anh Khoa) đã thực hiện khảo sát địa chất 62 hố địa chất, với tổng khối lượng 331 m. Sau đó, chủ đầu tư và tư vấn thiết kế đã sử dụng kết quả khảo sát địa chất này để lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công. Tuy nhiên, khi triển khai thi công xây dựng công trình thì hiện trạng địa chất thực tế không đúng như trên hồ sơ khảo sát địa chất, không thi công được theo thiết kế, phải khảo sát bổ sung lại.

Cụ thể, có 3/7 hố khoan tại tuyến Kênh chính khu tràn dâng kết quả khảo sát xác định địa chất "trạng thái nửa cứng, cứng". Trong khi đó, địa chất thực tế là “nền đất yếu, có tính nén lún cao, sức chịu tải nhỏ và tính thấm cao”.

Mặt khác, 1/9 hố khoan tại tuyến Kênh nhánh N2 xác định địa chất "trạng thái nửa cứng, cứng". Điều này cũng không đúng với địa chất thực tế trong phạm vi độ sâu đến 4m là “trạng thái dẻo mềm, có tính nén lún cao, sức chịu tải nhỏ; trạng thái bão hòa, kết cấu rời rạc - chặt vừa”.

Đáng nói, dù tuyến kênh chính đi qua vị trí có ao, hồ nhưng Công ty Anh Khoa Nghệ An không cân nhắc, xem xét lại các kết quả khảo sát, đánh giá trước các rủi ro có thể xảy ra khi thi công thực tế hoặc khoan khảo sát địa chất ngay tại vị trí đi qua ao, hồ để xác định địa tầng của các lớp đất nhằm đánh giá kết quả và đưa ra giải pháp thiết kế cho phù hợp với quá trình thi công thực tế.

Trong quá trình lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km0+820 - Kml+500 tuyến Kênh chính khu tưới tràn dâng có chiều sâu đào móng kênh là 10,27m. Thế nhưng, chiều sâu hố khoan khảo sát địa chất theo hồ sơ khảo sát lập dự án đầu tư tại đoạn này là 6m. Tương tự, tại đoạn Km0+00 – Km0+230 thuộc tuyến Kênh nhánh N2 khu tưới tràn dâng có chiều sâu đào móng là 8,39m, nhưng chiều sâu hố khoan khảo sát địa chất là 4m.

Không chỉ vậy, hồ sơ khảo sát lập dự án đầu tư chưa nêu rõ, chưa đánh giá các điều kiện địa chất công trình có liên quan đến tính ổn định như: thấm, chịu lực, lún, trượt...của các công trình để xác định biện pháp xử lý đối với những vấn đề địa chất công trình phức tạp.

Ngoài ra, trong dự án đầu tư có xác định hiện trạng khu vực gần tuyến Kênh nhánh N4, có 315m kênh hiện hữu của người dân. Tuy nhiên, trong thiết kế bản vẽ thi công không đề cập đến hiện trạng này và cũng không có giải pháp thiết kế liên quan đến việc sử dụng lại tuyến kênh cũ. Điều này dẫn đến trong thời gian thi công Kênh nhánh N4 phải phá dỡ kênh cũ, làm ảnh hưởng đến việc tưới 6ha lúa người dân đang canh tác. Trong thời gian thi công, phải bổ sung thiết kế để thi công hoàn trả kênh cũ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngoài những vi phạm nói trên Thanh tra tỉnh Đắk Nông còn chỉ rõ, chủ đầu tư và tư vấn thiết kế Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Đường Việt (Công ty Đường Việt) chủ quan, chưa xem xét hết nhiệm vụ khảo sát và kết quả khảo sát của bước thiết kế trước để xây dựng nhiệm vụ khảo sát bước thiết kế sau phù hợp với việc thiết kế.

Cụ thể, trong hồ sơ nhiệm vụ khảo sát bước lập thiết kế bản vẽ thi công chỉ xác định khoan khảo sát địa chất 9 hố tại khu vực tràn dâng, xác định không khoan khảo sát địa chất tại các tuyến kênh, mà sử dụng kết quả khảo sát địa chất bước thiết kế cơ sở kém chất lượng, có vi phạm của Công ty Anh Khoa để làm căn cứ lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công các tuyến kênh. Hơn nữa, việc khảo sát địa chất giai đoạn lập thiết kế bản vẽ thi công, Công ty Đường Việt không thực hiện đầy đủ nguyên tắc bố trí các điểm thăm dò, chưa cung cấp đủ số liệu để xác định các mặt cắt dọc và mặt cắt ngang đặc trưng cho các loại địa tầng trên tuyến theo quy định...

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, trách nhiệm chính trong việc khảo sát, sử dụng kết quả khảo sát để thiết kế, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán thuộc về Công ty Đường Việt.

Đối với việc lập hồ sơ dự toán phần điều chỉnh, bổ sung, Công ty Đường Việt còn tính sai khối lượng (thừa hơn 313 triệu đồng) và tính sai khối lượng thiếu (giá trị tạm tính là 717 triệu đồng), xác định giá trị dự toán không chính xác, thực hiện không đúng quy định.

Xuất phát từ những sai phạm như trên đã dẫn đến phương án thiết kế một số đoạn tuyến kênh Khu tưới tràn dâng không phù hợp thực tế địa chất công trình. Do đó, khi thi công xây dựng công trình theo thiết kế bản vẽ thiết kế buộc phải điều chỉnh dự án đầu tư 2 lần và điều chỉnh thiết kế 3 lần.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện điều chỉnh thiết kế, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã thực hiện biện pháp thi công thiếu tính hệ thống, đồng bộ, nên phải thay đổi phương án thiết kế. Thực trạng này khiến cho công trình phải gia hạn tiến độ nhiều lần, kéo dài thời gian thi công, tăng thêm 733 ngày (hơn 2 năm)./.

Nguyễn Chính