Thủy lợi Đắk Ngo thanh toán “khống”

Một trong những công trình thủy lợi “tai tiếng” nói trên phải kể đến công trình thủy lợi Đắk Ngo (thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).

Theo báo cáo số 364/BC–TL ngày 29/10/2020 của Chi cục thủy lợi (Sở NN và PTNT Đắk Nông) thì công trình thủy lợi Đắk Ngo còn tồn tại nhiều bất cập, từ khi tiếp nhận cuối năm 2018 đến hết năm 2019, do van đóng mở cống lấy nước công trình bị hư hỏng không đóng được nên nguồn nước trong lòng hồ không đủ phục vụ mùa khô. Sau khi được sửa chữa khắc phục các hư hỏng...đến thời điểm hiện tại mực nước hồ đã tích đủ.

leftcenterrightdel
Công trình thủy lợi Đắk Ngo xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, khiến nhiều cán bộ dính vòng lao lý.

Trước đó, ngày 16/6/2011, UBND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Đắk Ngo với tổng mức đầu tư là hơn 100,5 tỉ đồng, giao cho UBND huyện Tuy Đức làm chủ đầu tư.

Ngày 22/12/2015, Ban quản lý dự án (BQLDA) huyện Tuy Đức là Nguyễn Minh Vũ (quyền Giám đốc - BQLDA), ký hợp đồng thi công với đại diện liên danh Công ty TNHH MTV XD và TM Thành Đạt Tây Nguyên (công ty Tây Nguyên) do Trần Văn Thành làm Giám đốc và Công ty TNHH Trí Việt Đắk Nông, do bà Nguyễn Thị Kim Tuyết làm Giám đốc.

Mặc dù về hồ sơ pháp lý, công ty Tây Nguyên do Thành làm Giám đốc, nhưng thực tế do Trần Văn Thảo (anh trai của Thành) là người quản lý, điều hành. Trong quá trình thi công, tháng 1/2016, Thảo đề nghị tổ chức nghiệm thu khối lượng thi công để thanh toán đợt 1 số tiền hơn 2,4 tỉ đồng.

Tháng 4/2016, Thảo tiếp tục cho thi công kênh N1 đến tháng 6/2016, khi mới thi công được khoảng 300m chiều dài đáy kênh và khoảng 220m chiều dài thành kênh thì không thi công nữa. Lúc này, Thảo đề nghị BQLDA tổ chức nghiệm thu, thanh toán tiền thi công đợt 2 với số tiền hơn 3,7 tỉ đồng, trong khi một số hạng mục còn dang dở chưa làm xong.

Đến tháng 11/2016, Vũ biết khối lượng thi công trên thực tế của đơn vị thi công chưa đảm bảo nhưng vẫn chỉ đạo Nguyễn Duy Giang (cán bộ BQLDA huyện Tuy Đức được giao nhiệm vụ giám sát, theo dõi quá trình thi công) phối hợp với đơn vị thi công cụ thể là Thảo, Thành thanh toán tiếp khối lượng thi công đợt 3.

Sau đó Vũ chỉ đạo Giang lập “khống” bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán đợt 3 cho Thảo với tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng, gồm các hạng mục chưa thi công.

Tháng 12/2016, cũng trên cơ sở chỉ đạo của Vũ, Giang tiếp tục lập bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán được Vũ và Thành ký xác nhận. Sau đó, Thảo được thanh toán đợt 4 với số tiền hơn 3,6 tỉ đồng.

Sau khi nhận được tiền, Thảo đem sử dụng cá nhân, không tổ chức thi công mà để dở dang công trình cho đến khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm.

Do đó, việc thanh toán đợt 3, đợt 4 với tổng số tiền hơn 6,6 tỉ đồng, Vũ, Thảo, Giang và Thành biết rõ chưa có khối lượng thi công, nhưng vẫn lập bảng “khống” xác định giá trị, biên bản nghiệm thu, khối lượng thi công trên thực tế...

Với kết quả điều tra nói trên, vào cuối tháng 4/2020 VKSND tỉnh Đắk Nông đã truy tố đối với các bị can: Nguyễn Minh Vũ, Trần Văn Thảo, Nguyễn Duy Giang và Trần Văn Thành về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Thủy lợi Đắk Rồ nơi 4 cán bộ "phù phép" gây thiệt hại tiền tỉ

Cũng tại tỉnh Đắk Nông, những sai phạm trong quá trình đền bù tại công trình thủy lợi hồ Đắk Rồ (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Công trình thủy lợi Đắk Rồ (tỉnh Đắk Nông) nơi 4 cán bộ vừa bị khởi tố vì liên quan hàng loạt sai phạm. 

Vào tháng 5/2017, UBND huyện giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện (viết tắt là Trung tâm quỹ đất) lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình thủy lợi Đắk Rồ, hạng mục lòng hồ chính bổ sung.

Sau đó, Trung tâm quỹ đất ký hợp đồng với Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Krông Nô tiến hành đo đạc, kiểm đếm diện tích, xác định khối lượng bồi thường, tổ chức các đoàn phúc tra, kiểm tra...để lập phương án bồi thường, hỗ trợ là hơn 7,9 tỉ đồng/hơn 143.000 m2/19 hộ.

Sau khi phương án bồi thường được phê duyệt, người dân phản ánh, UBND huyện đã tạm dừng việc chi trả bồi thường hỗ trợ và thành lập tổ xác minh nguồn gốc đất. Ngày 1/11/2017, sau khi xác minh tổ công tác do Trí đã đưa ra khỏi phương án 3 hộ; 5 hộ diện tích giảm so với phương án bồi thường ban đầu; 11 hộ không thay đổi. Đồng thời, đề xuất UBND huyện giao Trung tâm quỹ đất tạm ứng 50% số tiền cho các hộ dân theo phương án đã điều chỉnh theo kết quả xác minh.

Ngày 8/11/2017, UBND huyện có công văn triển khai các nội dung theo kết quả xác minh nói trên, trong đó có nội dung chỉ tạm ứng 50% số tiền bồi thường hỗ trợ cho 16 hộ dân với tổng số tiền hơn 3,3 tỉ đồng. Sau khi chi trả tiền, cử tri tiếp tục phản ánh nên UBND huyện giao cho UBND xã Đắk Drô tiến hành xác minh lại nguồn gốc đất của 16 hộ dân trên.

Sau khi có kết quả xác minh, đo đạc lại, BQLDA và phát triển quỹ đất huyện Krông Nô xây dựng phương án điều chỉnh, bổ sung bồi thường, hỗ trợ công trình thủy lợi Đắk Rồ, với tổng kinh phí hơn 2,4 tỉ đồng/8 hộ/hơn 40.000 m2 (chênh lệch hơn 5,6 tỉ đồng/13 hộ dân/hơn 102.000 m2 so với phương án được phê duyệt).

Quá trình điều tra cơ quan chức năng xác định số tiền bị thiệt hại do đền bù cho 13 hộ dân không đúng đối tượng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 1,5 tỉ đồng.

Liên quan đến sai phạm này, tháng 9/2020 cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 cán bộ gồm: Nguyễn Cao Trí (nguyên Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Krông Nô), Nguyễn Ngọc Hùng (cán bộ BQLDA và PTQĐ huyện Krông Nô), Bùi Quốc Tuân (nguyên cán bộ Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Krông Nô) và Doãn Đức Toàn (nguyên cán bộ địa chính xã Đắk Drô) để điều tra về tội "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.

Thủy lợi Pleikeo chưa kịp bàn giao đã đổ sập, tan nát

Không riêng gì các công trình thủy lợi nói trên, ở tỉnh Gia Lai công trình thủy lợi Pleikeo (tại xã Ayun, huyện Chư Sê) được đầu tư hơn 119 tỉ đồng nhưng vừa xây xong đã xảy ra nhiều bất cập.

leftcenterrightdel
Công trình thủy lợi Pleikeo (tỉnh Gia Lai) vừa hoàn thành, chưa kịp bàn giao để đưa vào sử dụng thì đã xuất hiện hàng loạt hư hỏng nứt, gãy, đổ sập...

Cụ thể, công trình thủy lợi Pleikeo được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư là hơn 119 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi công trình vừa hoàn thành, chưa nghiệm thu, bàn giao để đưa vào sử dụng thì công trình này đã xuất hiện hàng loạt hư hỏng nứt, gãy... khiến cho nhân dân địa phương bức xúc, nghi ngờ chất lượng công trình cũng như năng lực của đơn vị nhà thầu thi công.

Liên quan đến công trình này, Sở NN và PTNT tỉnh Gia Lai đã kết luận hàng loạt hư hỏng, bất cập tại công trình thủy lợi Pleikeo như: Tại một số vị trí cửa vào ống thép còn chưa tháo dỡ ván khuôn phục vụ đổ bê tông. Một số cống, phần gia cố bằng bê tông mái ngoài kênh trên cống tiêu còn bị sụt lún, hư hỏng, hở hàm ếch...

Ngoài ra, một số vị trí tiếp giáp giữa thanh giằng kênh và tường kênh chưa đạt yêu cầu về thẩm mỹ và chất lượng; một số thanh giằng bị nứt, vỡ, hư hỏng. Phần cửa vào và cửa ra của một số cầu máng, ống thép bị nứt nẻ, không có tấm nắp. Phần đất đắp phía ngoài phần cửa vào, cửa ra bị xói lở…

Đánh giá về nguyên nhân các sai phạm, hư hỏng, cơ quan chuyên môn tỉnh Gia Lai xác định công tác quản lý chất lượng của nhà thầu, tư vấn giám sát xây dựng và lắp đặt thiết bị, chủ đầu tư còn chưa chặt chẽ... dẫn đến một số tồn tại sai phạm, hư hỏng.

Sau đó, cơ quan chức năng đã khẩn trương yêu cầu khắc phục các vị trí hư hỏng tại công trình này, đến ngày 1/10/2020, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Sê đã có báo cáo đơn vị thi công đã khắc phục xong những hư hỏng của công trình thủy lợi Pleikeo.

Tuy nhiên, sau khi BQLDA báo cáo, thì khoảng hơn 2 tuần sau đó công trình thủy lợi này lại tiếp tục bị đổ sập, tan nát. Theo báo cáo của UBND huyện Chư Sê, nguyên nhân gây ra thiệt hại hư hỏng lần này là do thiên tai./.

 
Nguyễn Chính