Để củng cố nội lực, tránh thâu tóm, nhiều nhà băng nhỏ muốn tăng vốn ngay trong năm 2012. Theo các chuyên gia, huy động thêm vốn là phương án tốt nhưng trong bối cảnh này, làm ồ ạt sẽ gây rủi ro lớn cho chính ngân hàng.

Nội dung "tăng vốn điều lệ" xuất hiện trong tờ trình Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 của hầu hết các ngân hàng. NamA Bank tăng vốn từ 3.000 tỷ lên 3.700 tỷ, Ngân hàng Phương Đông tăng từ 3.234 lên 4.000 tỷ trong khi kế hoạch của VietAbank và ABBank cùng lên 5.000 tỷ đồng. DongA Bank mặc dù vừa hoàn thành đợt tăng vốn lên 5.000 tỷ nhưng dự kiến vẫn phát hành 1.000 tỷ vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu để tăng lên 6.000 tỷ vào quý II.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, việc tăng vốn của họ là đáng hoan nghênh và khích lệ. Nguyên nhân khiến các nhà băng gấp rút muốn tăng vốn trong năm nay là để củng cố nội lực, mở rộng khả năng cho vay. Với các ngân hàng, đồng vốn tự có càng lớn thì khả năng huy động, hạn mức tín dụng cho vay được cấp càng cao. Do đó, các ngân hàng nhỏ luôn tìm mọi cách để tăng vốn điều lệ.

Không riêng ngân hàng nhỏ, các nhà băng lớn cũng muốn tăng vốn. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết năm 2012 sẽ tăng thêm 17% vốn điều lệ (khoảng 1.700 tỷ đồng) để nâng vốn điều lệ từ 10.047 tỷ lên hơn 11.700 tỷ đồng. Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng vừa thông qua tăng vốn lên từ 9.377 tỷ đồng lên 12.377 tỷ đồng từ lợi nhuận chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và từ việc chào bán cổ phiếu ra công chúng.
 

Tăng vốn điều lệ là cách để các nhà băng củng cố nội lực trong bối cảnh làn sóng thâu tóm, sáp nhập có thể đang ập đến. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Tăng vốn điều lệ là cách để các nhà băng củng cố nội lực trong bối cảnh làn sóng thâu tóm, sáp nhập có thể đang ập đến. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.



Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc muốn nâng vốn có thể xuất phát từ nợ xấu quá cao và nguy cơ bị thâu tóm, sáp nhập. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, với nhiều ngân hàng yếu, khi nợ xấu nguy kịch và khả năng bị mất vốn cao, họ sẽ càng muốn tăng vốn. Có thể trên sổ sách chưa thể hiện điều này nhưng các ngân hàng yếu hiểu rất rõ nợ xấu đang "ăn" vào vốn chủ như thế nào.

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, khi làn sóng M&A (mua bán, sáp nhập) diễn ra mạnh mẽ, bản thân các ông chủ ngân hàng, đặc biệt những ngân hàng niêm yết cũng nhìn thấy nguy cơ bị thâu tóm. Tăng vốn sẽ là một cách để chống đỡ. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh: "Không riêng ngân hàng nhỏ, có nguy cơ bị thâu tóm cần tăng vốn mà cả bên đi thâu tóm cũng cần vốn "khỏe" để có thế mạnh khi tham gia đàm phán".

Thông thường, các ngân hàng tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nhưng trong năm 2012, tình hình kinh tế khó khăn cộng thêm sự lình xình của thị trường chứng khoán, rất khó để thuyết phục cổ đông hiện hữu mua thêm cổ phiếu hay chào bán ra công chúng thành công. Nhiều nhà băng đã có kế hoạch tăng vốn từ năm ngoái nhưng vẫn chưa hoàn thành và phải gác sang năm nay vì lý do này.

Từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ, ông Nguyễn Trí Hiếu nhìn thấy khả năng sinh lời của những đồng vốn điều lệ tăng thêm trong bối cảnh này là thấp. "Ôm nhiều vốn đồng nghĩa với những áp lực lớn về lợi nhuận từ cổ đông và nhà đầu tư. Trong khi đó, việc cho vay những doanh nghiệp tốt, có khả năng chi trả cho ngân hàng hiện không có nhiều", vị này phân tích.

Đua tăng vốn điều lệ cũng là tình trạng xảy ra nhiều năm trước. Tuy nhiên, lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận vốn sở hữu càng nhiều thì càng phải chịu áp lực lớn từ cổ đông. Theo một chuyên gia, vì áp lực đó mà những năm trước các ngân hàng dễ dàng nâng vốn nhưng cũng dễ dàng dùng đồng vốn đó cho vay vì áp lực lợi nhuận và hậu quả là tăng trưởng nóng, nợ xấu cao. "Ngoài tăng vốn, ngân hàng cần phải có một chiến lược sử dụng đồng vốn mới. Không có chiến lược đi kèm, ngân hàng rất dễ cho vay tràn lan hoặc kinh doanh mạo hiểm", chuyên gia này cảnh báo.

 

Theo Thanh Thanh Lan

VnExpress

.