Ngày 15/6, ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa cho biết dự kiến ban đầu huyện Đông Sơn sáp nhập vào TP Thanh Hóa vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, kế hoạch phải lùi đến năm 2024 hoặc 2025.

leftcenterrightdel
Nguyên nhân của việc phải lùi kế hoạch sáp nhập là do tháng 2/2023 Thủ tướng ký Quyết định phê duyệt chung Đô thị Thanh Hóa.

Theo ông Xuân, nguyên nhân của việc phải lùi kế hoạch sáp nhập là do tháng 2/2023 Thủ tướng ký Quyết định phê duyệt chung Đô thị Thanh Hóa. Đây là cơ sở để tỉnh xây dựng, điều chỉnh đề án, triển khai quy trình sáp nhập.

Hiện tại TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đang khẩn trương rà soát thủ tục, tiêu chí đô thị loại I và thành lập các phường trên cơ sở xã. Do nhiều xã, phường không đủ tiêu chí nên phải sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Thanh Hóa dự kiến đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án. Thứ nhất là sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố, giữ nguyên hiện trạng các xã, phường như hiện nay. Phương án này nếu làm nhanh có thể xong trong quý II/2024.

Phương án hai là sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố đồng thời với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường. Nếu chọn cách này, dự kiến cuối năm 2024 hoặc đầu 2025 mới hoàn thành.

TP Thanh Hóa được thành lập năm 1993 từ thị xã Thanh Hóa cũ, trở thành đô thị loại hai năm 2003, đến năm 2014 được công nhận đô thị loại I. Hiện thành phố có diện tích tự nhiên 147 km2, 30 phường và 4 xã, quy mô dân số gần 500.000 người. Đây là thành phố trực thuộc tỉnh có nhiều phường nhất cả nước.

Theo dự thảo đề án, toàn bộ gần 83 km2, dân số hơn 88.000 người của huyện Đông Sơn sẽ nhập vào TP Thanh Hóa. Sau sáp nhập, thành phố sẽ có diện tích tự nhiên hơn 228 km2, dân số gần 594.000 người, với 37 phường và 11 xã.

Có 7 phường dự kiến được lập mới gồm: Rừng Thông, Hoằng Quang, Hoằng Đại, Đông Tiến, Đông Văn, Đông Khê và Đông Thịnh.

leftcenterrightdel
Dự kiến Đô thị Thanh Hóa mới sẽ bao gồm huyện Đông Sơn. Đồ họa Tiến Thành 

Tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm một đơn vị hành chính cấp huyện, còn hai thành phố (Sầm Sơn, Thanh Hóa), hai thị xã (Nghi Sơn, Bỉm Sơn) và 22 huyện với 559 đơn vị hành chính cấp xã.

Dự thảo đề án nêu rõ việc sáp nhập nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố xứng tầm đô thị loại I, với vai trò, vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của một trong những tỉnh lớn nhất cả nước. Việc sáp nhập cũng phù hợp với văn hóa, lịch sử địa phương, góp phần tinh gọn đầu mối tổ chức đơn vị hành chính.

Ngoài ra, Ban soạn thảo đề án đề xuất lựa chọn hai phương án tên gọi mới sau sáp nhập là TP Thanh Hóa hoặc TP Đông Sơn./.

Bình Minh