Lao đao vì ngập úng, mất kế sinh nhai

Như  đã phản ánh, sau nhiều năm lỡ hẹn, Dự án đường 60m cùng Dự án hạ tầng kỹ thuật khung dọc trục đường 60m TP Điện Biên Phủ đã hoàn thành, được chính quyền địa phương gắn biển tên Đường 7 tháng 5 chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập TP Điện Biên Phủ.

Đây là con đường đẹp nhất ở TP Điện Biên Phủ. Dự án này được triển khai từ năm 2016, tổng mức đầu tư “khủng” 410 tỉ đồng với tổng chiều dài con đường chỉ gần 1,6km. Dự án hoàn thành, con đường đã được gắn tên nhưng từ khi triển khai dự án đến nay đã hoàn thành, nhiều hộ dân ở thuộc phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ) rơi vào cảnh lao đao, khốn khổ vì mất kế sinh nhai do nước ngập sâu.

Khu ruộng lúa, ao vườn của gần 100 hộ dân thuộc bản Huổi Phạ và tổ 18 phường Him Lam, dù chưa đến mùa mưa nhưng tất cả đều chìm sâu trong nước. Nhiều năm nay, người dân khu vực này không thể trồng lúa hay hoa màu.  

Nguyên nhân khiến khu vực này luôn trong tình trạng ngập úng suốt nhiều năm qua, được chính quyền thôn và người dân nơi đây cho biết, do cốt đường và cống dẫn nước của đường 60m cao hơn đường thoát nước cũ. Dù chưa vào mùa mưa nhưng nước cứ dồn về chỗ trũng, gây ngập úng ruộng vườn, người dân không thể cấy lúa, trồng cây.

Trao đổi với phóng viên, bà N. (tổ 18, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ) và nhiều gia đình khác cho biết, khi chưa có con đường 60m, thời tiết thuận lợi, bà con vẫn cấy 2 vụ lúa/năm nhưng từ năm 2016 khi triển khai dự án đường 60m thì ao ruộng không tiêu được nước, ngập lụt triền miên. Bà con không trồng cấy được gì, cuộc sống rất vất vả.

Năm 2017, người dân khu vực bị ảnh hưởng được hỗ trợ 1 lần nhưng nhiều năm nay cũng chưa được hỗ trợ, đền bù gì thêm. Người dân đã làm đơn kiến nghị, phản ánh lên các cấp rất nhiều lần nhưng vẫn chỉ là những lời hứa.

Chính quyền địa phương cũng khuyến khích, hướng dẫn người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cá, nhưng nước vào không tiêu được, cá cũng không nuôi được mà cấy lúa cũng không xong. 

leftcenterrightdel
 Không ít người dân sống mòn mỏi chờ đền bù, giao đất để ổn định cuộc sống, dù dự án đã triển khai. 

Mòn mỏi chờ đền bù, giao đất tái định cư

Nằm dọc con đường lớn, rộng đẹp mang tên Đường 7 tháng 5 là Dự án hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ, một dự án trọng điểm của tỉnh Điện Biên. 

Theo quy hoạch phát triển không gian kiến trúc cảnh quan và quy hoạch sử dụng đất được duyệt, khu vực dọc trục đường này được quy hoạch bố trí 2 lô đất trung tâm hành chính mới và 16 lô đất thương mại dịch vụ, các lô đất còn lại được sử dụng bố trí bãi đỗ xe, quảng trường, cây xanh, đất xây dựng công trình công cộng khác… Các công trình thương mại dịch vụ, trung tâm hành chính mới được quy hoạch xây dựng với tầng cao từ 7 - 12 tầng, mật độ xây dựng thấp, bố trí đan xen cây xanh, quảng trường bám dọc 2 bên đường, tạo thành tuyến phố cao tầng hiện đại.

leftcenterrightdel
 Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa được giao đất tái định cư, phải dựng tạm nhà quây tôn để ở. 

Các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất thuộc 2 dự án trên đã thực hiện bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư từ năm 2021, vẫn còn hơn 100 hộ gia đình tổ dân phố 12, 16, 17, 18 (phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ) mới được bốc thăm đất trên bản đồ, tại điểm tái định cư số 1, 2, 3 các điểm tái định cư tại chỗ nằm trong phạm vi thực hiện Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung thuộc địa bàn phường Him Lam và điểm tái định cư Phiêng Bua (phường Noong Bua, TP Điện Biên Phủ).

Nhưng đến nay, UBND thành phố chưa thực hiện quyết định giao đất tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hộ dân đang phải đi thuê nhà ở, hoặc dựng tạm nhà tôn trên phần khu đất tái định cư để sống tạm qua ngày.

leftcenterrightdel
 Nhiều người dân chưa được giao đất phải ở tạm trong những căn nhà lợp tôn. 

Ông H., Tổ trưởng một tổ dân phố phường Him Lam bức xúc cho biết: “Về vấn đề thu hồi đất của dân không đúng trình tự pháp luật. Vấn đề giải phóng mặt và thu hồi đất năm 2021 nhưng tính giá năm 2015.

Thu hồi đất rồi nhưng nhiều tháng nay, chúng tôi chưa nhận được tiền đền bù để trả tiền thuê nhà. Tiền hỗ trợ cho người dân đi thuê nhà cũng chưa có đồng nào. Hơn nữa, việc đền bù, bồi thường cho người dân cũng mỗi người một giá.

Nhiều người dân cũng chưa được bàn giao đất để tái định cư. Có bàn giao mà trả giá đền bù theo giá năm 2015 thì người dân cũng khó có thể làm nhà”.

Chưa bao giờ người dân nơi đây lại sống trong cảnh khó khăn cùng nỗi bức xúc không biết tỏ cùng ai như hiện nay. Trái ngược với sự hoành tráng của dự án, bên trong những ngôi nhà bê tông, cốt thép  là cuộc sống của không ít hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án vẫn đang sống lay lắt trong những gian nhà tạm.

Đáng nói, việc thi công các điểm tái định cư diễn ra chậm chạp, các hạng mục công trình chưa đồng bộ, còn chắp vá, lực lượng thi công trên công trình thưa thớt, làm cầm chừng, người dân hơn bao giờ hết mong đợi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sớm vào cuộc chỉ đạo cấp đất tái định cư để người dân kiến thiết, xây dựng nhà cửa ổn định cuộc sống khi mùa mưa bão đang đến gần.

Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn hiện hành quy định rõ: Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư; Người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ, nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư; dự án tái định cư được lập và phê duyệt độc lập với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng phải bảo đảm có đất ở, nhà ở tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất...

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ cho biết, việc tái định cư, tỉnh Điện Biên đang ban hành giá đất cụ thể, hiện đang giao đất, đa phần đã giao đất cho bà con, còn một số đang hoàn thiện thủ tục. Trường hợp người dân chưa được bàn giao đất vẫn được tạo điều kiện cho thuê đất, thuê nhà.

Về vấn đề ngập lụt, ông Lê Tiến Dũng cho rằng, chỉ ngập lụt cục bộ một số nơi do vấn đề quy hoạch. Thành phố đã làm việc với Sở Xây dựng về việc tại sao lại quy hoạch như vậy, còn Thành phố không làm vấn đề quy hoạch.

Liên quan đến vấn đề này, đã có rất nhiều đoàn công tác, nhiều cuộc đối thoại từ Bí thư, Chủ tịch đến Chủ tịch phường để giải quyết cho người dân. Đến thời điểm này, đã kiểm đếm, ghi nhận hiện trạng tại khu vực bị ngập. Thành phố cũng tham mưu với tỉnh đồng ý bằng văn bản nhằm sắp xếp ổn định cho bà con bị ngập.   

“Về giải pháp lâu dài, khu vực dân cư bị ngập sẽ chuyển đổi mục đích thành đất ở. Bố trí đất tái định cư cho người dân đến vùng đất cao hơn. Người dân có nhu cầu sẽ được mua, trường hợp dư thừa sẽ đấu giá đất để tăng thu ngân sách cho tỉnh”, ông Lê Tiến Dũng nói.

Lãnh đạo TP Điện Biên Phủ cũng giải thích thêm về khu vực bị ngập úng, khu vực ngập này trước đây vốn là vùng sình lầy. Khi triển khai dự án dẫn đến như vậy và cũng không tính toán hết được, bởi mỗi nơi có cốt nền khác nhau, chỗ cao chỗ sâu.

Đối với những nơi bị ảnh hưởng, Thành phố đã hỗ trợ theo chính sách của nhà nước nhưng người dân lại yêu cầu, năm nào cũng phải hỗ trợ, còn chính sách chỉ hỗ trợ một lần để bà con chuyển đổi nghề nghiệp.

Để hạn chế ngập lụt, Thành phố đã cho bố trí máy bơm nước công suất lớn để trong trường hợp trời mưa sẽ bơm. Thành phố cũng làm hai hệ thống chặn nước, một là chặn dòng chảy từ tổ dân phố khác không đổ về tổ 18 và một cái là đổ nước ra Đường 7 tháng 5.

Trong khi đó, ông Lò Văn Diên, Chủ tịch UBND phường Him Lam khi trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật cũng cho biết, tất cả những ý kiến của người dân, Phường đã đề nghị lên UBND thành phố. Đất tái định cư cho bà con, hiện cơ quan chức năng đang hoàn thiện thủ tục. UBND TP Điện Biên Phủ đã trả lời cho nhân dân là phải chờ thủ tục, còn mặt bằng đã làm xong.

Đối với những nơi bị ngập nước, người dân được phép chuyển đổi mục đích sản xuất, bà con có thể không trồng cấy lúa nữa mà có thể san lấp để trồng cây… về vấn đề này, UBND TP Điện Biên Phủ đã đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Vũ Phương