Phát biểu tại Hội thảo, Thạc sĩ Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (PDI) cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm xác định các tồn tại, hạn chế hiện tại và đề xuất cơ chế, phương pháp mới để đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả, giải quyết triệt để các vướng mắc, tồn tại của Luật Đất đai sửa đổi hiện nay.

leftcenterrightdel
 Thạc sĩ Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển.

Mục tiêu của Hội thảo để đánh giá thực trạng các bất cập, vướng mắc, hạn chế của các quy định về phương pháp định giá đất, cơ chế giải phóng mặt bằng hiện tại, từ đó,  đề xuất các giải pháp để làm hài hoà  lợi ích của ba bên: Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân.

Hội thảo được tổ chức xoay quanh 6 chủ đề gồm: Không mở rộng quỹ đất đấu giá dựa trên tính toán nhu cầu tăng thu ngân sách của địa phương; Đánh thuế (phạt) đối với đất không đưa vào sử dụng cao hơn mức tiền thuê đất đối với đất đang được khai thác mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Có như vậy thì mới có đất cho những chủ đầu tư có bài toán kinh doanh mang lại hiệu quả sử dụng đất cao, buộc những chủ đất kiểu “tay không bắt giặc” phải bán hạ giá hoặc trả lại đất cho Nhà nước với mức đền bù thấp nhất; Chỉ đấu giá đất trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất 1/500 đối với tất cả các dự án thương mại phi công nghiệp (đô thị, trung tâm thương mại…, các hoạt động kinh doanh phi sản xuất chế tạo), không đấu thầu dự án; Điều kiện cam kết về tiến độ thực hiện dự án cụ thể trong đấu thầu dự án đầu tư sử dụng đất là giải pháp hữu hiệu để khắc phục ngay tình trạng quy hoạch treo, giữ đất, găm đất chờ thời, đầu cơ đất; Giao đất, cho thuê đất theo thời gian vòng đời của dự án đăng ký đầu tư; Tìm kiếm giải pháp để tiền của người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội. 

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội thảo tư vấn phản biện về “Cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trong Luật Đất đai sửa đổi”.

Tại Hội thảo, sau khi lắng nghe đề xuất của PDI về 6 chủ đề được đưa ra thảo luận, đại biểu thuộc Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Viện nghiên cứu khoa học khác đã tham gia thảo luận sôi nổi, tích cực, có tính đóng góp, xây dựng cao. Đa số các đại biểu nhất trí với các vấn đề được nêu trong các chủ đề. Trong đó, vấn đề được các đại biểu đưa ra thảo luận sôi nổi nhất là việc cơ quan Nhà nước thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, công trình xây dựng hay phục vụ cho các hoạt động, mục đích khác.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhất trí với đề xuất sử dụng quy hoạch 1/500 thay cho quy hoạch 1/2000 khi đưa ra đấu giá nhằm thể hiện rõ hơn giá trị của đất trong các dự án thương mại phi công nghiệp, đồng thời, căn cứ vào giá trị của đất khi đã có quy hoạch sử dụng đất 1/500 để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân. 

Hội thảo chỉ diễn ra trong buổi sáng ngày 20/12/2023, tuy nhiên, nhiều vấn đề tham luận mang tính thực tiễn, đi sâu, sát về thực trạng các bất cập, vướng mắc, hạn chế hiện tại được đưa ra thảo luận và đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng, hoàn thiện cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trong Luật Đất đai sửa đổi.

Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (tên viết tắt: PDI) là tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam), được thành lập theo Quyết định thành lập số 752/QĐ-LHHVN ngày 12/7/2019 và Giấy chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ số đăng ký A-2098 ngày 22/7/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

PDI thực hiện các chương trình nghiên cứu chung và cung cấp tư vấn cùng với các dịch vụ tư vấn, tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế, bền vững, đầu tư và quy hoạch. Đội ngũ cố vấn của PDI quy tụ từ các nguồn nhân tài trong nước và quốc tế và bao gồm một số chuyên gia được đánh gia cao nhất trong lĩnh vực của họ. Mục tiêu của PDI là giải quyết các vấn đề mang ý nghĩa quốc gia và quốc tế, đặc biệt là khi nền kinh tế phát triển, Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trong trong ASEAN và cộng đồng quốc tế.


Thế Đức