leftcenterrightdel
 Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá giá trị của Hiến pháp 2013 sau 10 năm ban hành.

GS.TS Hoàng Thế Liên, Hiệu trưởng Trường Đại học Chu Văn An, đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo “10 năm lan tỏa những giá trị cơ bản của Hiến pháp 2013” được tổ chức ngày 14/11 do trường Đại học Chu Văn An tổ chức. Hội thảo nhằm đánh giá những thành tựu đạt được, những giá trị cơ bản với sự lan tỏa, tác động thực tiễn từ các quy định của Hiến pháp đối với đời sống xã hội Việt Nam; tiếp tục tìm kiếm giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những giá trị của sự lan tỏa đó.

Cũng theo GS.TS Hoàng Thế Liên, sau 10 năm ban hành, những giá trị lớn của Hiến pháp là chúng ta đã đề cao Hiến pháp, bảo đảm sự tôn nghiêm của Hiến pháp và xem Hiến pháp là của Nhân dân, có dấu ấn bảo đảm quyền lập hiến của Nhân dân. Đồng thời, chúng ta đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật, Hiến pháp là một hệ các quy định hiến định, nguyên tắc hiến định để tạo dựng hệ thống pháp luật, quản lý xã hội theo tinh thần sống và làm việc theo pháp luật.

Ngoài ra, chúng ta bảo đảm Nhà nước là của dân, do dân và vì dân, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân. Bên cạnh đó, chúng ta cũng bảo đảm Tòa án độc lập xét xử theo thẩm quyền vì nhiều chuyên gia đã quan niệm “độc lập xét xử của Tòa án là vương miện của Nhà nước pháp quyền”.

 Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/ 2013, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Hiến pháp 2013 là kết quả của sự kế thừa các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992; là sự thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Hiến pháp 2013 là nền tảng pháp lý cao nhất bảo đảm quyền con người ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ; khẳng định những giá trị cốt lõi, cơ bản trong đời sống xã hội Việt Nam. Đây là bản Hiến pháp đã đánh dấu một thời kỳ đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát triển và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.

Những giá trị quan trọng khác là xác định mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đặc biệt, lần đầu tiên Hiến pháp quy định ở ngay Chương II, nêu rõ Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Không những ghi nhận các quyền mà toàn bộ Hiến pháp là cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.

Với giá trị đó, cần tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế hữu hiệu để bảo đảm thực hiện Hiến pháp trong thời gian tới.

Trình bày tham luận “Những giá trị cơ bản của Hiến pháp năm 2013”, GS.TS Võ Khánh Vinh - Cố vấn Ban Giám hiệu Trường Đại học Chu Văn An cho biết, pháp quyền là giá trị quốc gia mới, được tiếp nhận từ giá trị pháp quyền của nhân loại, được vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đây là giá trị mang tính mục tiêu, mang tính phương thức của xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, được ghi nhận và thể hiện trong toàn bộ tinh thần, nội dung của Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

GS.TS Võ Khánh Vinh cũng cho biết, quyền con người, quyền công dân là giá trị quốc gia mới, được hình thành, phát triển và phát huy trong quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đây là giá trị mang tính bản chất, mục tiêu, nội dung của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, được ghi nhận và thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013, đặc biệt trong Chương II…

Bàn về việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật qua 10 năm triển khai Hiến pháp năm 2013, theo TS Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có bước phát triển mới trong một số lĩnh vực cơ bản trên cơ sở Hiến pháp năm 2013.

 Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phấn đấu, đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong bối cảnh đó, ngày 9/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó đề ra định hướng xây dựng hệ thống pháp luật.

Chính phủ cũng đã thông qua Nghị quyết số 77/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo đó, đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng để phát huy vai trò của Chính phủ và các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong triển khai định hướng xây dựng hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Trong đó, phải kể tới các giải pháp như rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giám sát việc thực hiện Nghị quyết; tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…

Minh Nhật