Cần định nghĩa lại "phát triển xanh"?
Phát biểu mở đầu, Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn cho biết, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn... là vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa tham dự lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới tại Dubai cách đây không lâu. Đây là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trong năm 2023.
|
|
Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn - Nguồn: BTC |
Tại đó, Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính; tiếp tục thúc đẩy việc giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ, thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp giảm phát thải mang tính khả thi.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn cho biết: "Trong bức tranh tổng thể đó, chúng tôi chọn một lát cắt, phát sinh từ thực tiễn trong quá trình áp dụng tăng trưởng xanh ở nhiều địa phương, ở nhiều khu công nghiệp trên cả nước và có thể ở nhiều cơ quan có thẩm quyền trong cấp phép đầu tư. Đó là lọc thẳng các ngành có thể gây ô nhiễm hay yêu cầu phải giảm phát thải có lộ trình?".
Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, các cơ quan quản lý phải định nghĩa lại phát triển xanh. Không thể chỉ nghe doanh nghiệp sản xuất vật liệu cơ bản, hóa chất cơ bản là xếp vào ngành ô nhiễm.
"Chính những rào cản như vậy vô hình trung làm giảm cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, những ngành vật liệu cơ bản, hóa chất cơ bản là ngành xương sống của công nghiệp, thượng nguồn các chuỗi cung ứng. Nếu đứt gãy thì hạ nguồn cũng sẽ không sản xuất được", bà Nhi nêu.
|
|
Toàn cảnh hội thảo - Nguồn: BTC |
Theo ông Lê Viết Phúc, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vấn đề khó khăn trong việc thu hút dự án "xanh" là các nhà đầu tư đòi hỏi vị trí nhà máy thuận lợi. Nhà đầu tư muốn nhà máy phải gần cảng, vị trí giao thông thuận lợi, mặc dù đã có phân khu chức năng và quy hoạch cụ thể. Do đó, nếu đáp ứng theo yêu cầu của các nhà đầu tư thì không thể giữ vững định hướng phân vùng, và phá vỡ quy hoạch. Ngược lại, nếu không đáp ứng được đòi hỏi, nhà đầu tư sẽ đi nơi khác.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất - Công nghiệp TP HCM (Hepza), để phù hợp với xu thế đầu tư hiện nay cần phải lọc công nghệ, giảm phát thải để tăng hiệu quả đầu tư chứ không phải lọc ngành.
“Nếu những ngành nghề không cho phép đặt trong khu dân cư, KCN không tiếp nhận nữa thì họ sẽ đi đâu, về đâu? Không nên đặt vấn đề chọn ngành gì, vì công nghệ và thị trường sẽ điều tiết, điều chỉnh từng lĩnh vực mà nhà đầu tư muốn vào", ông Hứa Quốc Hưng chia sẻ.
Phát triển xanh phải có lộ trình, dự án tiên phong bứt phá
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tăng trưởng xanh vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. Vậy, nên ứng xử với nó như thế nào, phạm vi ở đâu, chiến lược phát triển như thế nào cho phù hợp là câu hỏi của nhiều quốc gia?
Ông Đỗ Văn Sử nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện hướng tới tăng trưởng xanh, có hai chủ thể chính là Nhà nước và các tổ chức, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất. "Nhà nước gặp thách thức gì, cần làm gì? Bản thân các doanh nghiệp gặp thách thức khó khăn gì?", ông đặt vấn đề.
|
|
Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguồn: BTC |
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, phát triển xanh phải lựa chọn lộ trình thực hiện phù hợp, phải nằm trong chiến lược phát triển bền vững, cân đối, hài hòa với việc sử dụng tài nguyên, giảm phát thải và đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
Theo ông Lộc, phải tránh bẫy lọc ngành, chú trọng công nghệ, vì hệ thống kinh tế là một chuỗi giá trị mà chúng ta đang khuyến khích phát triển hệ sinh thái, công nghiệp hỗ trợ.
“Cần phải có những dự án tiên phong bứt phá vươn lên, tạo nên điểm đột phá trong tốc độ chuyển đổi xanh của nền kinh tế. Chọn một số địa phương làm thí điểm, đặc biệt, phải quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có chính sách phù hợp, hỗ trợ về nhận thức, quản trị để thực hiện chuyển đổi xanh. Quá trình phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải của Việt Nam sẽ không thể thành công nếu không thúc đẩy được các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia mạnh mẽ”, ông Vũ Tiến Lộc nói.