Việc Hà Nội bỏ cái phù hợp này, chạy theo cái phù phiếm kia, là quyết định cần xem xét lại và cân nhắc kỹ kẻo lại vẫn “tiền mất tật mang”!
 
 
Chúng tôi đã đi khảo sát hiện trạng cây đường phố ở Hà Nội, quả là mười cây có tới 8 cây gật gù, dặt dẹo, trong đó 4-5 cây vô giá trị của thời kỳ thứ 3. Những cây thời Pháp chết đổ dần dần. Còn từ thời sau giải phóng thì rất ít cây nào có giá trị, và ít cây khỏe mạnh đủ tiêu chuẩn. Việc chặt vài nghìn cây cũng không phải mất mát quá lớn, không hẳn là hàng nghìn cây cổ thụ như báo nói. Tuy nhiên, cần phải nói rằng mặc dù mấy nghìn cây này không nhiều giá trị, nhưng khả năng những cây mới trồng tốt hơn thì gần như bằng không, vì thế, câu chuyện này vẫn là tiền mất tật mang.
 
Nguyên là đường phố thời Pháp có mật độ xây dựng và nén đất rất thấp, diện tích vỉa hè lớn, phần đất dành cho rễ cây lớn, khoảng không cho cây mọc cũng lớn, vì vậy có thể trồng cây to, lâu năm, và trồng hoàn toàn bình thường như cây rừng, cây vườn. Nên nhớ, mỗi cây lớn cần hàng trăm mét khối đất tự nhiên để phát triển khỏe mạnh.
 
Sang thời nay, đường phố chật hẹp, đất bị nén chặt, đầy các loại ống ở hạ tầng, các loài cây không còn đủ không gian cho bộ rễ và cho cành lá. Ở tất cả các đô thị phát triển trên thế giới, người ta đã phải làm riêng những hệ thống đường ống cho rễ cây phát triển để không hại tới hạ tầng. Giá thể trồng cây đô thị cũng đặc biệt, có khả năng chịu nén, và công suất cung cấp dưỡng khí, dưỡng chất gấp hàng trăm lần đất thường. Vì thế chỉ cần vài mét khối là đủ cho một cây, nhưng cũng chỉ dám trồng cây tầm trung. Việc trồng cây xanh được coi như một phần của kỹ thuật hạ tầng và giá thành rất cao.
 
Ở Việt Nam, chỉ khoét cái lỗ xuống vỉa hè, đổ ít đất mùn mà đòi trồng cây đường phố thì vô cùng hoang đường. Không những cây khó sống được, mà khi đổ còn gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn tới hạ tầng. Đã thế lại còn trồng cây lớn những mong có được những hàng cây sao, cây dầu trăm năm như người Pháp trồng.
 
Cây trồng đường phố có nhiều logic. Có loại trồng như người Pháp theo kiểu cả phố một loài, sẽ tạo ra cảnh quan hoành tráng của các đại lộ cây xanh. Nhưng yêu cầu cần có đường lớn, hoành tráng, thẳng thớm, vỉa hè rộng. Còn đối với các loại đường không ra đường, ngoằn ngoèo, vỉa hè chỗ to chỗ nhỏ, thì cây cũng nên đa dạng tùy chỗ mà trồng cây to nhỏ. Ngoài sự hoành tráng, những cây cối mang dáng vẻ khác nhau và do dân tự trồng, lại gắn liền với trải nghiệm, hồi ức cá nhân, tạo ra tình cảm đô thị, hơn hẳn cây thuần loài đại lộ. Việc bỏ cái phù hợp này, chạy theo cái phù phiếm kia, là quyết định cần xem xét lại và cân nhắc kỹ kẻo lại vẫn “tiền mất tật mang”!
 
Tiến sĩ Phó Đức Tùng
Chuyên gia qui hoạch đô thị