leftcenterrightdel
 Sổ đỏ gốc (bên trái) và sổ đỏ giả mạo đã bị Công ty CP địa ốc Đà Lạt chỉnh sửa. 
leftcenterrightdel
Quyết định của tỉnh Lâm Đồng (bên trái) và Quyết định giả mạo đã bị công ty chỉnh sửa. 

Theo đó, Hội đồng kỷ luật của Sở Xây dựng Lâm Đồng đã thống nhất kỷ luật các cán bộ, lãnh đạo có liên quan với hình thức: “Rút kinh nghiệm sâu sắc”. Có 04 cán bộ, lãnh đạo bị kỷ luật, gồm: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ (bộ phận một cửa), cán bộ thẩm định thuộc Phòng Quy hoạch – Kiến trúc, lãnh đạo Phòng Quy hoạch – Kiến trúc kiểm soát hồ sơ tham mưu cấp giấy phép và Giám đốc Sở - người ký ban hành giấy phép.

“Đây là bài học xương máu cho toàn đơn vị. Ngoài hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, những cán bộ, lãnh đạo có sai sót còn bị cắt toàn bộ thi đua, khen thưởng trong năm”, ông Trung nói và khẳng định: “Không có chuyện tiêu cực hay vụ lợi cá nhân gì trong này”.

Như Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin trong bài viết: “Điều tra công ty địa ốc giả mạo giấy tờ “qua mặt” ngành chức năng”, biết khu đất số 22 Hùng Vương (phường 10, TP. Đà Lạt) là khu biệt thự, thuộc khu vực vành đai “Trục di sản Đông – Tây”: “Chỉ được sử dụng làm đường nội bộ, công viên hoa, sân vườn, không được xây dựng công trình”, nhưng để nâng cao giá trị sử dụng, kinh doanh của khu đất, Công ty CP địa ốc Đà Lạt đã giả mạo hồ sơ giấy tờ để được cấp giấy phép xây dựng (GPXD).

leftcenterrightdel
 Văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm tại 22 Hùng Vương trước ngày 28/3.

Cụ thể, trong sổ đỏ chính ghi rõ: “Điều chỉnh mục đích sử dụng đất… từ đất rừng cảnh quan sang đất cơ sở sản xuất kinh doanh và chỉ được sử dụng làm đường đi nội bộ, công viên hoa, sân vườn, không được xây dựng công trình theo Quyết định số 1473…”; nhưng trong bản photocopy của CTCP địa ốc Đà Lạt nộp cho Sở Xây dựng Lâm Đồng đã bị xóa mất đoạn quan trọng: “... và chỉ được sử dụng làm đường đi nội bộ, công viên hoa, sân vườn, không được xây dựng công trình”. Để “tạo niềm tin”, công ty đã đóng dấu đỏ của công ty vào bản photocopy này.

Không chỉ vậy, trong bản photocopy Quyết định số 1473/QĐ-UBND ngày 5/7/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng mà Công ty nộp về cho Sở cũng bị xoá mất đoạn quan trọng: “… không được xây dựng công trình”.

Theo lý giải của Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, đáng lý ra, cán bộ tiếp nhận hồ sơ của Sở phải yêu cầu cung cấp bản gốc để kiểm tra, đối chiếu tính xác thực với bản photocopy, nhưng do thấy có đóng dấu đỏ của công ty trên bản photocopy nên đã chủ quan, không nhận ra những thay đổi, giả mạo, sai lệch giữa bản gốc và bản photocopy. Sau đó, các bộ phận tiếp theo tiếp tục bị “qua mặt” một cách ngoạn mục.

Trước những sai sót nói trên, ngày 5/2/2018, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã phải ban hành quyết định thu hồi GPXD có thời hạn số 151 ngày 24/8/2017 và phụ lục điều chỉnh ngày 15/12/2017 do chính Sở này đã cấp trước đó cho CTCP địa ốc Đà Lạt. Liên quan đến hành vi giả mạo giấy tờ của CTCP địa ốc Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề nghị Công an tỉnh này vào cuộc điều tra, làm rõ để xử lý.

leftcenterrightdel
 Đến sáng ngày 3/4, công trình vi phạm vẫn chưa tháo dỡ hoàn toàn.

Tuy nhiên, điều đáng nói là dù thời gian Sở Xây dựng Lâm Đồng cho phép chủ đầu tư tự tháo dỡ công trình vi phạm (ngày 15/3); thời gian UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND TP. Đà Lạt và các cơ quan, đơn vị liên quan, tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm tại số 22 Hùng Vương (ngày 28/3), đã qua, nhưng theo ghi nhận của phóng viên đến sáng ngày 3/4, công trình vi phạm vẫn chưa được tháo dỡ hoàn toàn, để trả lại cảnh quan, môi trường cho khu vực vành đai “Trục di sản Đông – Tây” này.

Khoan hãy bàn đến hình thức kỷ luật cán bộ, lãnh đạo có sai sót của Sở Xây dựng Lâm Đồng, nhưng với cách xử lý còn thiếu dứt khoát, quyết liệt đối với vi phạm đã rõ mười mươi, mang tính coi thường pháp luật của CTCP địa ốc Đà Lạt, thì liệu có đủ tính thuyết phục và đủ tính răn đe? Câu trả lời xin dành cho ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Tâm An – Thiên Lý