Cùng với lúa thì cây mía là 1 trong 2 cây trồng chủ lực của xã Bình Xuân (TX. Gò Công). Sự xuất hiện của cây mía đã góp phần mang lại cho những người dân nơi đây cuộc sống ấm no và ổn định hơn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cây mía đang gặp phải những thách thức nhất định làm cho diện tích mía trong xã liên tục sụt giảm.


“Bén duyên” với vùng đất mặn

Không ai còn nhớ chính xác cây mía có mặt trên đất Bình Xuân từ khi nào, chỉ nhớ cách đây hơn 50 năm cây mía đã xuất hiện ở vùng đất này. Những năm đầu tiên, diện tích mía được trồng trên địa bàn xã chưa nhiều, phần lớn được trồng trên những gò đất cao.

Thời gian này, giống mía được trồng chủ yếu là mía Trà Nho (còn gọi là mía đỏ), được dùng để tinh luyện đường và bán nước giải khát. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nên ngay từ những năm đầu bén rễ, cây mía đã phát triển tươi tốt và cho năng suất khá cao.

Theo một số người có thâm niên trong nghề thì cây mía được trồng đầu tiên ở ấp 2, sau đó lan sang các ấp trong xã, bắt đầu quá trình “bén rễ” trên vùng đất khó. Nguồn giống là một trong những khó khăn ở thời điểm này, người trồng mía phải đi mua giống ở Long An, Cần Thơ… về để trồng. Dần về sau, người dân mới bắt đầu nhân giống tại địa phương.

Có gần 50 năm kinh nghiệm trong việc trồng mía, ông Trần Văn Chạy (72 tuổi, ngụ ấp 3) cho biết: “Đặc điểm nổi bật của cây mía Bình Xuân là hương vị. Nước mía ở đây có vị ngọt đậm đà, mằn mặn, người từ nơi khác tới rất thích cái vị đặc trưng này”.

Cây mía được trồng vào mùa mưa (khoảng tháng 4 âm lịch hàng năm), sau 7 - 8 tháng là cho thu hoạch. Thời điểm từ tháng 1 - 4 là lúc chính vụ của cây mía. Với đặc tính dễ trồng, chống chịu được phèn, mặn, thêm vào đó là chi phí đầu tư trồng mía cũng thấp hơn so với cây lúa, thế nên cây mía đã giúp không ít những người dân ở Bình Xuân có được cuộc sống ổn định.

Ông Trần Văn Bốn (60 tuổi, ngụ ấp 2) chia sẻ: “Trồng mía thì mỗi năm chỉ được 1 vụ, nếu so ra khỏe hơn trồng lúa, mình đỡ tốn công chăm sóc, chưa kể các chi phí đầu vào cũng thấp hơn”. 1 ha mía Roc 16 của ông Bốn hàng năm thu về khoảng 100 triệu đồng, năng suất trung bình đạt 100 tấn/ha. Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình ông còn lãi khoảng 70 triệu đồng. Từ đó, giúp ông xây dựng nhà cửa khang trang, cuộc sống ngày càng no ấm.

Mía sau khi thu hoạch sẽ được thương lái tại địa phương thu mua và  đưa đi tiêu thụ ở Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu…. Mía ở đây được bán theo 2 hình thức: Bán mía bó và mía tấn. Thông thường người trồng mía ở xã sẽ bán mía bằng cách tính theo bó (mỗi bó 12 cây), số mía không đạt tiêu chuẩn để bán bó sẽ bán theo tấn. Ưu điểm nổi bật của cây mía Bình Xuân là để được lâu ngày và có lượng đường cao hơn mía trồng ở vùng khác từ 1 - 2 bậc.

Những năm đầu tiên sau Ngọt hóa Gò Công, cây lúa chưa thể làm được 3 vụ, chủ yếu là lúa mùa. Đây là thời điểm “hoàng kim” của cây mía, nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực ở Bình Xuân. Diện tích mía ước tính vào khoảng 200 ha.

Cây mía đã không phụ lòng những người dân “chịu thương, chịu khó” nơi đây, ngay từ khi xuất hiện nó đã góp phần mang lại một diện mạo mới cho vùng đất khó Bình Xuân. Nhiều gia đình nhờ trồng mía đã thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, cuộc sống dần dần được cải thiện.

Và những thách thức

Tính đến năm 2014 diện tích mía ở xã Bình Xuân là 150 ha. Hiện tại, theo thống kê mới nhất của xã thì diện tích mía chỉ còn 77,49 ha, giảm 50% so với năm 2014, chủ yếu phân bố rải rác ở các ấp 1, 2 và 3. Nếu như những năm đầu tiên sau Ngọt hóa Gò Công là thời kỳ hưng thịnh của cây mía, thì hiện tại cây mía đã dần dần được thay thế bởi cây lúa. Diện tích mía liên tục giảm trong những năm qua. Người dân bắt đầu phá mía để trồng lúa.

Ông Võ Văn Phong (45 tuổi, ngụ ấp 2) cho biết: “Nói về giá trị kinh tế thì cây mía cao hơn cây lúa. Tuy nhiên, hiện tại cây lúa làm được 3 vụ, trong khi đó cây mía mỗi năm chỉ có 1 vụ. Người dân ở quê quanh năm chỉ biết trông chờ vào miếng vườn, mảnh ruộng, trong khi đó trồng mía mỗi năm chỉ cho thu nhập 1 lần. Từ đó, người dân ở đây dần dần bỏ mía để trồng lúa”.

Bên cạnh đó, giá bán mía cũng là một trong những nguyên nhân làm cho diện tích mía ở xã liên tục giảm. Những năm qua, giá của cây mía bấp bênh, không ổn định, trong khi đó đất đai ngày càng bị thoái hóa, chi phí đầu vào cũng bắt đầu tăng lên.

Ông Phạm Văn Hiệp (54 tuổi, ngụ ấp 1) bày tỏ: “Trước kia gia đình tôi vừa trồng mía, vừa thu mua mía của bà con trong xã. Những năm qua, giá mía không ổn định, nhiều lúc xuống chỉ còn 600 - 700 ngàn đồng/tấn. Với mức giá này thì người trồng mía không có lãi”.

Một khó khăn nữa làm cho người dân không còn thiết tha với cây mía, đó là việc thiếu trang thiết bị máy móc trong quá trình chăm sóc cũng như thu hoạch. Trong khi đó, việc trồng lúa được hỗ trợ bởi những trang thiết bị hiện đại.

Ngoài ra, vấn đề nhân công cũng là 1 điều khiến người trồng mía phải e ngại. Ông Bùi Văn Tuấn Hưng (ấp 2) cho biết: “Hiện nay giá thuê nhân công rất cao. Tuy nhiên, nguồn nhân công cũng ngày một khan hiếm, do công việc tương đối nặng nhọc nên nhiều người không muốn làm”.

Cây mía trên đất Bình Xuân đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Trong suốt những năm bám rễ trên vùng đất khó Bình Xuân, cây mía đã góp phần thay đổi bộ mặt của xã, giúp không ít gia đình có cuộc sống ấm no, đẩy lùi nghèo đói.

Cây mía đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của mình, dần dần được thay thế bởi cây lúa và một số loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Rồi đây cây mía sẽ chỉ còn lại trong ký ức của những người dân nơi đây, một ký ức đẹp về những “rừng” mía xanh tươi bạt ngàn gió lộng.

 

Theo Báo Lâm Đồng

.