UBND TP Đà Nẵng vừa có quyết định phê duyệt bộ tiêu chí về công nghệ, môi trường và KT-XH trong việc đầu tư xây dựng Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải rắn tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng).

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu tiêu chí về công nghệ cho nhà máy phải phù hợp với điều kiện tự nhiên tại khu vực thực hiện, phù hợp với đặc điểm, tính chất, thành phần chất thải lần sinh hoạt tại thành phố.

leftcenterrightdel
 Bãi rác Khánh Sơn hiện nay đang trong tình trạng quá tải

Dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị bảo đảm mới 100%; ưu tiên các công nghệ có nguồn gốc, xuất xứ ở các nước phát triển (G7, EU) thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao của Việt Nam hoặc công nghệ phải được tổ chức, đơn vị có chức năng chứng nhận.

Dây chuyền công nghệ, thiết bị tự động và hạn chế tối đa sử dụng lao động thủ công. Khuyến khích các công nghệ có tính chất tuần hoàn tài nguyên và hạn chế tối đa việc sử dụng nhiều nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất (điện, nước).

Khuyến khích công nghệ có khả năng nội địa hóa thiết bị của nhà máy và thay thế bằng các thiết bị nội địa. Tỷ lệ chất thải đem chôn lấp phải bằng hoặc nhỏ hơn 5% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đưa đến nhà máy.

Có phương án công nghệ xử lý các chất thải thứ cấp phát sinh và sản xuất sản phẩm đầu ra, đảm bảo quy định hiện hành, hạn chế chôn lấp. Thành phố sẽ không bao tiêu bất cứ chất thải thứ cấp, sản phẩm đầu ra của Nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Quyết định này cũng yêu cầu năng lực của Nhà đầu tư phải có kinh nghiệm đầu tư xây dựng khai thác vận hành các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất trên 500 tấn/ngày đêm tại Việt Nam hoặc các nước trên thế giới; Nhà đầu tư phải là chủ công nghệ hoặc được chuyển giao công nghệ…

leftcenterrightdel
Ô nhiễm môi trường từ bãi rác Khánh Sơn 

Dựa trên bộ tiêu chí này, mới đây, Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng cũng phát đi thông báo mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia lập hồ sơ đề xuất dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn này.

Dự kiến, tổng kinh phí các dự án đầu tư cho Nhà máy khoảng 8.500 tỷ đồng, trong đó, ngân sách đầu tư của thành phố trên 1.900 tỷ đồng, ngân sách đầu tư của doanh nghiệp 6.600 tỷ đồng.

Dự án được Đà Nẵng đề xuất mời gọi vốn đầu tư có công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt là 1.000 tấn/ngày và có khả năng tăng công suất, mở rộng quy mô trong trường hợp cần thiết với hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), nhà đầu tư chịu trách nhiệm đầu tư, vận hành dự án từ nguồn vốn của nhà đầu tư.

Thời gian xây dựng Nhà máy dưới 2 năm kể từ khi Nhà đầu tư ký kết hợp đồng dự án với cơ quan có thẩm quyền cho đến khi nhà máy đi vào hoạt động. Thời gian hoạt động của Nhà máy không quá 25 năm kể từ ngày hợp đồng dự án được ký kết.

leftcenterrightdel
 Nhiều lần người dân Đà Nẵng dựng lều chặn xe chở rác vào bãi rác Khánh Sơn

Trước đó, như báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, chính quyền TP Đà Nẵng đã phải  đưa ra các phương án để giải quyết thực trạng rác thải đang ở mức “quá tải” tại địa phương. Hiện tại, bãi rác Khánh Sơn là nơi tập trung xử lý rác của TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, những năm gần đây bãi rác này đang dần quá tải và phát sinh nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường. Người dân địa phương đã nhiều lần dựng lều rạp để chặn đường xe chở rác vào bãi rác này để phản đối ô nhiễm.

Chính quyền TP Đà Nẵng đã đưa ra hai phương án gồm xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, hoặc nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố. Qua quá trình khảo sát, TP Đà Nẵng quyết định phương án đầu tư nâng cấp khu xử lý chất thải Khánh Sơn thành khu liên hợp xử lý chất thải rắn.

Xuân Nha