Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, ni lông đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.

leftcenterrightdel
Chiến dịch ra quân làm sạch biển được tổ chức sáng nay tại TP Đà Nẵng 

Tại TP Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày thành phố có hơn 1.000 tấn rác thải ra môi trường, trong đó phần lớn là rác thải nhựa và ni lông. Mặc dù chưa có số liệu thống kê về nguồn rác thải nhựa tồn tại trong lòng đại dương, tuy nhiên có thể nhận thấy rất rõ rằng một lượng lớn rác thải nhựa đang tồn tại trong vùng biển TP Đà Nẵng. Hiện nay, trên 80% rạn san hô của TP Đà Nẵng đang ở tình trạng rất xấu và rác thải là một trong những nguyên nhân chính được xác định gây nguy hại cho rạn san hô và sinh vật biển.

Điều này ảnh hưởng lớn đến Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra và chủ trương xây dựng “Đà Nẵng - thành phố môi trường” của TP Đà Nẵng.

leftcenterrightdel
Ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN-MT trao tặng thùng rác cho quận Sơn Trà trong lễ ra quân làm sạch biển

Tại Chiến dịch ra quân “Làm sạch biển” ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết, “Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, ni lông đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và ni lông khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần”.

Theo ông Nhân, việc lạm dụng sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni lông phải mất hàng trăm, thậm chí tới nghìn năm. Rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển.

Chính vì những tác hại đó mà Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019, Liên Hợp Quốc chú trọng tập trung vào vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, theo đó khuyến khích tất cả các quốc gia và địa phương cùng nhau hành động để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa.

leftcenterrightdel
Nhặt rác để cùng chung tay vì môi trường không rác thải nhựa 

Tương tự, ông Lê Trung Chinh -  Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, từ tháng 8/2018 TP Đà Nẵng đã khởi động phong trào chống rác thải nhựa. Gần 1 năm thực hiện, phong trào này, trên địa bàn thành phố bước đầu đã có nhiều hoạt động, hình thức khá tiêu biểu, đặc biệt là sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cộng đồng và người dân thành phố. Đã có những doanh nghiệp chủ động tiên phong trong các sáng kiến, lồng ghép các hoạt động giảm thiểu nhựa dùng một lần vào chiến lược phát triển và coi đó là giá trị cốt lõi cho sự phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp đó vẫn còn hạn chế, do đó việc huy động thêm các doanh nghiệp khác cùng tham gia trong thời gian sắp tới là vô cùng cần thiết.

Tại Tọa đàm “Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa: Trách nhiệm Nhà quản lý - Doanh nghiệp - Truyền thông”, Thứ trưởng Bộ TN-MT - Võ Tuấn Nhân mong muốn mỗi người sẽ có những hành động thiết thực thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa ngay từ bây giờ theo hướng bảo vệ môi trường cho tương lai.

leftcenterrightdel
 Nhà quản lý- doanh nghiệp và truyền thông cùng ngồi lại để tìm giải pháp cho một môi trường không rác thải nhựa

Nêu ra tình hình và bối cảnh cũng như những kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới về quản lý rác thải nhựa đại dương cũng như nội dung của dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 của Việt Nam, bà Phạm Thị Thu Hằng – Phó Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam mong muốn sự chung tay của các cấp ngành, cộng đồng doanh nghiệp, truyền thông và xã hội trong công tác bảo vệ đại dương trước vấn nạn rác thải nhựa.

Để thực hiện thành công Kế hoạch và các nhiệm vụ kiểm soát, ngăn chặn tiến tới không còn rác thải nhựa, góp phần cải thiện môi trường, thực hiện mục tiêu chiến lược phát bền vững kinh tế biển rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, truyền thông và toàn xã hội bằng các hành động cụ thể, thiết thực, bắt đầu ngay từ bây giờ, ngay từ nhận thức đến hành động, không giới hạn ở độ tuổi nào, nâng cao vai trò của giới, của các cơ quan, tổ chức, người dân; từ trung ương đến địa phương cùng nhau hành động, để rác thải nhựa đại dương không còn là vấn nạn, vì một thế giới xanh, sạch, đẹp, vì sự phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, bà Hằng mong muốn.

leftcenterrightdel
Bà Phạm Thị Thu Hằng - Phó Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam mong muốn sự chung tay của cộng đồng cùng bảo vệ đại dương trước vấn nạn rác thải nhựa 

Về phía doanh nghiệp, tại Tọa đàm, Mr. Stefano Maccagno – Tổng giám đốc Khách sạn Four Points by Sheraton Danang cho biết, nhiều năm nay tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa là đáng báo động. Doanh nghiệp hiểu rõ về trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường trước nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa, vì vậy doanh nghiệp đã áp dụng giải pháp vận hành khách sạn giảm thiểu rác thải nhựa và có kế hoạch chuyển dần để khách sạn không còn vật dụng nhựa sử dụng một lần.

Năm 2019, Bộ TN-MT đã chọn chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu” nhằm kêu gọi toàn hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và đồng bào cả nước cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm hành động và thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đó là, đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Xuân Nha