Các DN đang gặp khó khăn sẽ tiếp tục chính sách siết chặt chi tiêu, cắt giảm ngân sách văn phòng. Vì thế, các tòa nhà văn phòng ngày càng ế ẩm, nhiều tòa nhà mới xây dựng nhưng đằng sau vỏ bọc hoàng tráng là sự hoang vắng của cái chết ‘lâm sàng’.
 


Giá thuê văn phòng cũng lao dốc thảm hại, khách thuê trong nội bộ phân khúc tòa nhà, cao ốc văn phòng tiếp tục dịch chuyển mạnh theo hướng siết chặt chi tiêu, dịch chuyển từ tòa nhà cũ giá cao qua tòa nhà mới giá thấp; từ văn phòng lớn kêu gọi bạn bè, đối tác vào thuê chung, chia sẻ giá thuê, và các loại phí liên quan.

Đánh giá của CBRE VN, tại Hà Nội xu hướng giảm giá bắt đầu từ năm 2010 và không có dấu hiện nào của thị trường cho thấy giá chạm đáy, điều mà đang xảy ra tại thị trường TP HCM. Đối với những khách thuê có thời hạn hợp đồng chấm dứt vào năm 2013, yếu tố quyết định là thời gian.

Ông Phạm Hoàng Hữu Bắc, một nhà kinh doanh BĐS trong lĩnh vực cho thuê văn phòng cho rằng, thị trường văn phòng thừa cung, thiếu cầu trong ngắn hạn cũng như trung hạn, dẫn đến việc thị trường văn phòng tiếp tục điều chỉnh giá theo hướng giảm để cung và cầu gặp nhau. Việc đánh giá thị trường văn phòng đã chạm đáy vào thời điểm này là không có cơ sở.

“Chúng ta phải thực tế thừa nhận thị trường bất động sản văn phòng nằm trong tổng thể thị trường bất động sản đang vô cùng khó khăn, hàng tồn khó quá lớn, nợ xấu quá nhiều, và người tiêu dùng thực sự chưa tiếp cận được sản phẩm bất động sản phù hợp với năng lực và nhu cầu của họ” ông Bắc nhận định.

Đại diện của bộ phận văn phòng của CBRE VN ông Greg Ohan đưa ra lời khuyên, các chủ đầu tư có thể chia nhỏ văn phòng để nâng cấp lại và giảm giá thuê. Những tòa nhà hạng A mới vào thị trường thường có giá chào thuê cao để xứng với chất lượng công trình. Tuy nhiên đây chỉ là giá chào thuê, mức thuê thực hoàn toàn khác. Chủ đầu tư sẽ ưu đãi về giá để lấp đầy văn phòng trước. Sau khoảng 2-3 năm, khi hoạt động kinh doanh ổn định, doanh nghiệp cũng đã quen vị trí thì các chủ đầu tư sẽ xem xét lại mức thuê.
 

Theo VietNamnet

.