Phù điêu khổng lồ trên vách núi

Bức phù điêu mang chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn đại đoàn kết dân tộc”, thiết kế tạc trên vách núi Bà Hỏa. Công trình vào loại quy mô với chiều dài 81,5m, vị trí cao nhất 35m, cùng các hạng mục khuôn viên phụ trợ diện tích 3.000m2.

Tổng dự toán kinh phí đầu tư hơn 86 tỉ đồng, trong đó có 34 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách và 51 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.

Dự kiến, công trình được xây dựng trong giai đoạn 2020-2022.

Núi Bà Hỏa nằm phía Tây Bắc Quy Nhơn, có độ cao gần 300m, khá nhạy cảm do kề sát trung tâm thành phố.

Vấn đề ở chỗ, núi Bà Hỏa ở vị trí dự kiến đặt phù điêu, đường giao thông ôm sát chân núi và kề với ngã năm, giao lộ của những con đường lớn tại Quy Nhơn.

Để tạo không gian khuôn viên bên dưới phù điêu đủ lớn và một sườn đá thẳng đứng đạt độ cao cần thiết, sẽ phải “khoét” một góc của núi Bà Hỏa.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, để tạo mặt bằng công trình phải cắt sâu vào sườn núi khoảng 20-25m với khối lượng đất đá bị đào phá hơn 60.000m3 .

leftcenterrightdel
Phối cảnh công trình phù điêu. 

Ý kiến trái chiều

Đồ án bức phù điều tại Bình Định được thông tin trên báo chí và mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm lớn của độc giả, công chúng. Rất nhiều người ủng hộ việc đầu tư xây dựng công trình, cho đó là công trình văn hóa, nghệ thuật có giá trị, góp phần tạo điểm nhấn cho thành phố du lịch Quy Nhơn.

Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn hoặc chưa đồng tình.

Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Hoàng Hà – nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định băn khoăn, việc đặt vị trí công trình kề bên nút giao thông có mật độ giao thông lớn sẽ gây chú ý, hút ánh nhìn, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung, dễ xảy ra tai nạn.

Ông Hà gợi ý, trước khi triển khai thực hiện công trình cần phải quy hoạch nút giao thông ngã năm, phía trước bức phù điêu cần có không gian quảng trường rộng lớn, có khoảng lùi để đảm bảo an toàn cho du khách và người dân địa phương khi đến tham quan.

Mặt khác, đây là tác phẩm văn hóa tái hiện lịch sử, có những yêu cầu đặt ra khắt khe cũng như đòi hỏi tính thẩm mĩ cao, do đó, cần tranh thủ ý kiến của các chuyên gia về sử học, văn hóa, địa chất,… Đặc biệt phải được sự đồng tình của nhân dân, cán bộ địa phương trên cơ sở đưa các phương án ra triển lãm, lấy ý kiến rộng rãi.

Một số ý kiến e ngại, việc thi công công trình với việc đào khoét một góc núi, sẽ khiến núi Bà Hỏa méo mó, biến dạng, tạo nên một “vết sẹo” trên thảm thực vật xanh của ngọn núi này.

Có ý kiến lại cho rằng, việc xây dựng công trình là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, tại Bình Định có nhiều công trình cần ưu tiên đầu tư khẩn cấp, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, trong điều kiện nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp.

Tại Bình Định hiện vẫn còn những bệnh viện quá tải, chưa đủ gường nằm cho bệnh nhân. Bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân phải nằm chật kín hành lang, điều kiện vệ sinh kém, không bảo đảm yêu cầu khám, chữa bệnh.

Chính bởi vậy, việc dựng phù điêu ở đâu, khi nào, thực hiện ra sao là vấn đề cần cân nhắc cẩn trọng.

Nam Trung