(BVPL) - Sau bốn năm triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020, công tác BHXH, BHYT của Đà Nẵng có nhiều chuyển biến tích cực. Số người tham gia BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đều tăng so với trước, về đích sớm trước năm 2020 so với mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW đã đề ra.
 
Đến cuối tháng 10-2016, TP Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành vượt mức trước thời hạn một số mục tiêu cơ bản mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra. Số lao động tham gia BHTN đạt tỷ lệ 35,46%, số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ 93% số dân, trong khi bình quân chung cả nước đạt 75%.
Để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, BHYT. Phát hiện và biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm vi phạm. BHXH thành phố còn chủ động phối hợp các ngành lao động - thương binh và xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo đẩy mạnh tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, đổi mới phương thức hoạt động, mà trọng tâm là nâng cao chất lượng dịch vụ lĩnh vực BHXH, BHYT. Tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng đã có những hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị.
 
Trong bốn năm qua, BHXH thành phố Đà Nẵng đã khai thác mới 2.703 đơn vị, 27.643 lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; 1.313 người tham gia BHXH tự nguyện; 108.197 người tham gia BHYT hộ gia đình; 508.430 người tham gia BHYT bắt buộc. Tính đến 31-10-2016, trên địa bàn Đà Nẵng có 6.279 đơn vị, 214.692 lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, 6.024 đơn vị, 206.818 lao động tham gia BHTN. Về lộ trình tiến tới BHYT toàn dân theo Kế hoạch của UBND thành phố, tính đến cuối tháng 10-2016, có 984.240 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 93% dân số.
 
Giám đốc BHXH Đà Nẵng Đinh Văn Hiệp cho biết, để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra tại 530 đơn vị sử dụng lao động, bảy cơ sở KCB BHYT, 10 đại lý thu, đại diện chi trả BHXH, BHYT. Qua kiểm tra, đã kiến nghị thu hồi tổng số nợ BHXH, BHYT hơn 135 tỷ đồng. Đến nay, đã thu hồi được 77 tỷ đồng. BHXH thành phố đã yêu cầu các đơn vị làm thủ tục đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho 737 lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ ba tháng trở lên; xử phạt vi phạm hành chính về BHXH đối với sáu đơn vị với tổng số tiền xử phạt là 82,305 triệu đồng; thực hiện xuất toán và thu hồi số tiền đề nghị hưởng chế độ ngắn hạn sai quy định hơn 114 triệu đồng.
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chia sẻ: Trên thực tế, nhận thức của một bộ phận chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân về BHXH, BHYT còn hạn chế. Một số chủ sử dụng lao động cố tình không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động hoặc chỉ tham gia cầm chừng, mang tính đối phó, một số khác cố tình chiếm dụng, không trích đóng, để nợ đọng BHXH, BHYT số tiền lớn, thời gian kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đến cuối tháng 10-2016, mặc dù số đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố giảm gần một nửa, nhưng vẫn còn 722 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT từ ba tháng trở lên, với tổng số tiền 133,46 tỷ đồng.
 
Bảo Anh