leftcenterrightdel
 Phiếu chuyển đơn của VKSND TP Thủ Đức. (Ảnh:MP)

Vừa qua VKSND TP Thủ Đức, TP HCM đã có Phiếu chuyển đơn “Tố giác, tin báo về tội phạm” đến Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức liên quan đến nội dung tố giác một nhóm người có hành vi “cho vay nặng lãi” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo Phiếu chuyển đơn, VKSND TP Thủ Đức nhận được đơn tố giác của bà Phạm Thị Ngọc Yến (ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP HCM), nội dung đơn tố giác hành vi “cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có tổ chức của một nhóm người gồm: T.N.T; T.N.H; T.L.T.TR; T.V.M và Đ.V.D.

Căn cứ quy định tại Điều 145, 146 Bộ luật tố tụng hình sự, đơn trên thuộc thẩm quyền của Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức. VKSND TP Thủ Đức chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức đơn trên để giải quyết theo thẩm quyền và gửi văn bản thông báo kết quả đến VKSND TP Thủ Đức.

Trước đó, theo Thông báo của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn tố giác của bà Phạm Thị Ngọc Yến có nội dung: Cuối năm 2015 bà Yến có vay của ông T.N.T. (thường gọi là T. "biển") số tiền 1,7 tỉ đồng với lãi suất 30%/tháng. Trả lãi được một thời gian thì bà Yến mất khả năng chi trả. T "biển" giới thiệu cho bà Yến vay của bà H. (vợ T. "biển") để lấy tiền trả lãi cho T. "biển". Nợ chồng nợ, “lãi mẹ đẻ lãi con” đến cuối năm 2017, vợ chồng T. "biển" chốt lại bà Yến còn nợ vợ chồng ông 20 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Căn nhà của em bà Yến cũng bị mang đi thế chấp. (Ảnh:MP)

Để "giúp" bà Yến có tiền tiếp tục trả lãi, T. "biển" giới thiệu bà Yến vay nợ của T.A. (ngụ quận 5) 130 cây vàng với lãi suất 10%/tháng. Sau hơn 1 năm, nhóm 3 người này buộc bà Yến phải cầm cố tài sản vay ngân hàng 8 tỉ đồng để trả lãi và đến đầu năm 2019 thì chốt lại bà Yến còn nợ vợ chồng T. "biển" và T.A là… 30 tỉ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, theo đơn tố cáo của bà Yến, T. "biển" có quan hệ họ hàng với bà nên biết chị em bà có nhiều bất động sản do ba mẹ để lại nên âm mưu muốn chiếm đoạt. T. "biển" dẫn bà Yến đến gặp vợ chồng T.V.M và T.L.T.Tr, ép buộc bà phải làm theo sự chỉ đạo của vợ chồng M.,Tr. để lấy tiền trả nợ, lãi cho T. "biển". Cả hai vợ chồng M.Tr đều là cán bộ ngân hàng. Thời điểm này bà Tr. là kế toán của Phòng giao dịch, còn ông M. là giám đốc một chi nhánh ngân hàng đặt ở TP Thủ Đức. Chính vì vậy mà họ rất dễ dàng dựng tạo nên một dự án nhà ở xã hội “ma” để lừa, chiếm đoạt tài sản của bà Yến.

Theo bà Yến, để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản, vợ chồng M.,Tr. buộc bà Yến phải đưa thửa đất diện tích hơn 1.800m2 do ông Lê Huỳnh Xuân (em ruột bà Yến) đứng tên ở TP Thủ Đức để xây dựng chung cư cao tầng nhà ở xã hội trên diện tích hơn 10.000m2.

Sau khi tự vẽ ra dự án, bà Tr. yêu cầu bà Yến, ông Xuân phải góp thêm tiền để xây dựng dự án. Khi dự án hoàn thành sẽ bán lấy tiền trả nợ, còn dư bao nhiêu thì trả lại cho bà Yến, ông Xuân. Trước mắt, Tr. buộc bà Yến và ông Xuân ủy quyền cho bà Tr. toàn quyền định đoạt gần 10 bất động sản của gia đình để vay vốn ngân hàng.

Sau đó, Tr. lập nên một công ty "ma" với tên gọi S.G.R và thuê ông Đ.V.D. làm Tổng giám đốc. Ngoài ra ông D. còn đứng tên làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty B.N. Đây cũng là công ty "ma" được Tr. dựng lên nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Yến. Bởi sau đó, bà Tr. dùng một số bất động sản của gia đình bà Yến bảo lãnh cho Công ty N.B vay vốn ngân hàng với số tiền 87 tỉ đồng và bà Tr. đã lấy hết số tiền này.

Đợi mãi chẳng thấy dự án đâu, bà Yến, ông Xuân đòi lại giấy tờ nhà đất thì bà Tr. thông báo bà Yến còn nợ bà Tr. hơn 37 tỉ đồng và ông T.A. là 45 tỉ đồng. Như vậy từ số nợ ban đầu 1,7 tỉ đồng, sau khi trả lãi hết khoảng 20 tỉ đồng, qua hơn 4 năm bà Yến còn nợ 82 tỉ đồng và có nguy cơ bị mất số tài sản đã vay ngân hàng vì khi vay tiền xong Công ty N.B của bà Tr. đều không trả lãi, vốn và hiện tại đều bị nợ quá hạn..

Cùng với đơn tố cáo các cá nhân trên, bà Yến còn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ những vi phạm trong hoạt động ngân hàng. Bởi lẽ, sau khi được vay tiền, Công ty N.B không trả vốn, trả lãi, bị nợ xấu nhưng vẫn tiếp tục được bảo lãnh vay vốn với số tiền lớn. Từ thực tiễn cho thấy, bình thường, một tổ chức, cá nhân nào đó muốn vay vốn dù chỉ vài trăm triệu đồng cũng phải chứng minh mức thu nhập, mục đích vay, phương án trả nợ… Còn khi đã bị nợ xấu thì rất khó có thể tiếp tục được ngân hàng cho vay.

Được biết, trước đó VKSND tối cao; VKSND cấp cao tại TP HCM và Thanh tra Bộ Công an; Ban Nội chính Thành ủy TP HCM; Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cũng đã có văn bản chuyển nội dung đơn nêu trên đến VKSND và Công an TP Thủ Đức, TP HCM để xử lý theo quy định.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Mai Phong