Văn phòng cơ quan CSĐT: Có dấu hiệu của vụ án hình sự  

Báo Bảo vệ pháp luật đã có bài viết phản ánh về Công văn số 5355/VKSTC-V2 gửi UBND TP. Hà Nội ngày 25/12/2017 của VKSND tối cao, nội dung công nhận hợp đồng mua bán gỗ sưa giữa dân làng Phụ Chính và ông Thái, đồng thời đề nghị UBND TP. Hà Nội có chỉ đạo để UBND huyện Chương Mỹ phải hoàn lại số tiền 31 tỷ đồng do bán đấu giá số gỗ sưa cho ông Dương Văn Thái. 

Trong khi, ngày 12/12/2017, Văn phòng cơ quan CSĐT (C44) thuộc Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an có Văn bản số 4216/C44-P3, về việc Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính bán gỗ sưa cho ông Thái. Theo đó, nội dung văn bản khẳng định: Cây gỗ sưa trong khuôn viên chùa thôn Phụ Chính là tài sản hợp pháp của Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính, được quy định và điều chỉnh tại các Điều 220, 221, 222, 223, 224 Bộ luật dân sự năm 2005. Chưa có văn bản nào xác định Nhà nước có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt đối với cây gỗ sưa này, mà chỉ Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính mới có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt đối với cây gỗ sưa nêu trên. Việc mua bán gỗ sưa giữa Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính và ông Dương Văn Thái không bị pháp luật cấm, hai bên mua và bán cho đến nay không có khiếu kiện về hợp đồng.

Nội dung văn bản cũng khẳng định: Công an huyện Chương Mỹ tạm giữ xe ô tô và số gỗ sưa của ông Thái không có quyết định kiểm tra hành chính, Điều tra viên đã lập biên bản tạm giữ và niêm phong thùng xe có chứa số gỗ sưa là vượt quá quyền hạn của Điều tra viên, không theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự hoặc hành chính. Sau đó, khi kết thúc vụ việc cũng không có quyết định nào tạm giữ xe ô tô và số gỗ sưa của cấp có thẩm quyền. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân. 

Việc bán đấu giá gỗ sưa trong khi số gỗ sưa đang là tài sản hợp pháp của ông Thái mà không có bất cứ một văn bản nào xác định chấm dứt quyền sở hữu số gỗ sưa của ông Thái đã mua của Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính, là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu của vụ án hình sự xảy ra trong khi các thành viên Hội đồng đấu giá thi hành công vụ. Ông Dương Văn Thái bị tước mất quyền sở hữu tài sản hợp pháp đối với số gỗ sưa của mình (trị giá đấu giá trên 31 tỷ đồng). 

Chính quyền “công nhiên” sử dụng tiền bán đấu giá của người dân

Sau khi bán đấu giá số gỗ sưa của ông Thái, UBND huyện Chương Mỹ không đưa vào tài khoản tiền gửi mà nhập vào ngân sách (khi chưa có quyết định tịch thu, sung công) rồi phân bổ lại cho UBND xã Hòa Chính. Cũng theo ý kiến của C44 thì, với việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng này, UBND huyện Chương Mỹ sẽ phải xin lỗi và tạm ứng tiền đền bù thiệt hại cho ông Thái theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước gồm: chi phí đấu giá, tiền lãi của số tiền bán đấu giá gỗ sưa, tiền bồi thường khác, nếu ông Thái có yêu cầu. 

Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Văn Chính (Chủ tịch UBND xã Hòa Chính) cho biết: UBND xã Hòa Chính được sự đồng ý của UBND huyện Chương Mỹ đã sử dụng số tiền nhận được từ việc bán số gỗ sưa để làm dự án “Tu bổ, tôn tạo, xây dựng chùa Vĩnh Phúc, thôn Phụ Chính”. Dự án xây chùa được phê duyệt giai đoạn 1 với số tiền 25 tỷ đồng được trích từ số tiền 31 tỷ đồng thu được từ việc bán đấu giá gỗ sưa.

leftcenterrightdel
Công trình tu bổ, tôn tạo chùa Vĩnh Phúc Tự. 

Ông Chính cũng cho biết: “Hợp đồng thi công xây dựng, tu bổ, tôn tạo chùa Vĩnh Phúc Tự, thôn Phụ Chính do UBND xã Hòa Chính ký với công ty TNHH Tuấn Tường được thực hiện từ ngày 6/6/2017. Hiện tại, các hạng mục xây dựng đang được triển khai. Chúng tôi đã tạm ứng cho nhà thầu số tiền là 12,8 tỷ đồng”.

Mục sở thị công trình tu bổ, tôn tạo chùa Vĩnh Phúc Tự, Phóng viên nhận thấy, ngôi chùa mới được xây dựng trong khuôn viên của khu chùa cũ, hiện nay đã thi công được sàn bê tông, gia cố các cột và đổ bê tông cho khu tầng 1 với diện tích 500m2; khu bếp, nhà ăn của chùa được xây dựng khoảng 130m2, các bờ tường bao quanh đang được triển khai, được biết phần nếp nhà gỗ để dựng trên tầng 2 của ngôi chùa đang được gia cố thi công. 

Chính quyền làm sai, người dân phải chịu?

Sau khi xác minh, tìm hiểu và căn cứ theo các quy định hiện hành, các cơ quan: VKSND tối cao, C44, Sở Tư pháp TP. Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp… đều có các công văn phúc đáp và đề nghị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giải quyết vụ việc trên theo hướng: Trả lại số tiền bán đấu giá gỗ sưa cho ông Dương Văn Thái.  Yêu cầu đơn vị thụ lý giải tỏa kê biên sổ tiết kiệm của Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính để trả lại cho Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính vì đây là tài sản của người dân. Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính có toàn quyền quản lý, sử dụng số tiền có được từ việc bán gỗ (quy định tại các Điều 220, 221, 222, 223, 224 Bộ luật dân sự năm 2005). 

Tuy nhiên, không hiểu có “uẩn khúc” gì trong việc xử lý vụ việc trên, mà UBND TP. Hà Nội (cụ thể là ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch) lại đưa ra phương cách xử lý vụ việc trái ngược hoàn toàn với các văn bản hướng dẫn, cũng trái với quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, ông Lê Hồng Sơn chỉ đạo: Giao Công an thành phố có văn bản giải tỏa tại ngân hàng đối với những tài khoản tiết kiệm liên quan đến số tiền ông Thái chuyển cho Chi hội người cao tuổi thôn Phụ Chính. Lấy từ số tiền gốc và lãi của khoản 20,5 tỷ đồng của nhân dân thôn Phụ Chính trao trả cho ông Thái 31 tỷ đồng (là số tiền UBND huyện Chương Mỹ bán đấu giá gỗ sưa của ông Thái). Từ chỉ đạo này của ông Lê Hồng Sơn, những ngày này, 04 người (trong đó có 03 cụ đã mất, giao quyền lại cho con cháu) là đại diện cho nhân dân thôn Phụ Chính đứng tên trên các sổ tiết kiệm liên quan đến khoản tiền bán gỗ sưa luôn nhận được các cuộc điện thoại và đại diện chính quyền các cấp liên quan yêu cầu lên làm việc với Công an huyện Chương Mỹ và ngân hàng để làm thủ tục hủy bỏ phong tỏa, rút tiền ra trả cho ông Thái. 

Về chỉ đạo này của ông Sơn đã vấp phải sự phản đối của người dân. Theo đại diện người cao tuổi thôn Phụ Chính: Nếu thực hiện theo phương án ông Sơn đưa ra thì những sai phạm của các cá nhân khi thi hành công vụ của UBND huyện Chương Mỹ, Công an huyện Chương Mỹ liên quan đến việc thu giữ, bán đấu giá tài sản của ông Thái, lại đổ sang người dân thôn Phụ Chính chịu trách nhiệm. Bởi người dân chỉ chịu trách nhiệm về khoản tiền trong hợp đồng bán gỗ sưa với ông Thái (còn hiệu lực), không phải chịu trách nhiệm về việc chính quyền thu giữ tài sản của ông Thái và tự ý đem bán đấu giá số gỗ sưa hợp pháp của ông Thái.

Cũng trong nội dung của văn bản chỉ đạo, về nguyện vọng người dân được quản lý và giám sát việc chi tiêu số tiền bán gỗ sưa vào tu bổ chùa tại thôn Phụ Chính thì ông Sơn lại chỉ cho phép người dân được quản lý và giám sát giai đoạn 2 của Dự án. Còn giai đoạn 1 của Dự án với số tiền đã được duyệt là 25 tỷ đồng thì vẫn để UBND xã Hòa Chính thực hiện. Chính điều này cũng gây hoang mang trong người dân, bởi không hiểu vì lí do gì, người dân lại không được giám sát công trình do tiền của chính mình đầu tư. 

Lí giải cho việc UBND xã “buộc” phải thực hiện hết giai đoạn 1 của Dự án tu bổ chùa thôn Hòa Chính, ông Chính cho biết: Do hợp đồng đã ký với nhà thầu không thay đổi được, vì số tiền đã chi 12,8 tỷ đồng nên chúng tôi phải tiếp tục thực hiện. Nếu trao lại quyền cho người dân thôn Phụ Chính thì số tiền 12,8 tỷ đồng chúng tôi không có nguồn nào bù vào để trả cho ông Thái (?). 

Không đồng tình với chỉ đạo của ông Lê Hồng Sơn và UBND huyện Chương Mỹ, đại diện người dân thôn Phụ Chính vừa có đề nghị gửi UBND xã Hòa Chính và UBND huyện Chương Mỹ, theo đó, người dân mong muốn sẽ sớm được phong tỏa tài chính để rút số tiền bán gỗ sưa về. Về số kinh phí hiện đang sử dụng để xây dựng chùa và các công trình tâm linh, Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính sẽ họp, thống nhất trả lại ngân sách, nếu việc chi tiêu đó minh bạch, hợp lý. 

Nhóm PV