Nội dung vụ án thể hiện: Bản án hành chính sơ thẩm số 06/2020/HC-ST ngày 17/7/2020 của TAND tỉnh Lạng Sơn giải quyết vụ án hành chính “Khiếu kiện Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” giữa người khởi kiện là Công ty Tâm Trung với người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc - TAND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định: Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Tâm Trung đối với yêu cầu hủy các quyết định của chủ tịch UBND huyện Cao Lộc.

Trong phiên tòa này, đại diện VKSND tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị hoãn phiên tòa do Tòa án không yêu cầu người bị kiện cung cấp tài liệu theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật Tố tụng hành chính, là chưa thu thập đủ tài liệu chứng cứ và các văn bản còn mâu thuẫn, nhưng không được chấp nhận.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên toà sơ thẩm ngày 17/7/2020.

Tiếp đó, ngày 30/7/2020, VKSND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 35/QĐ-VKS-HC đối với Bản án hành chính sơ thẩm nêu trên của TAND tỉnh Lạng Sơn. Theo VKSND tỉnh Lạng Sơn, căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cho thấy bản án hành chính sơ thẩm số 06/2020/HC-ST ngày 17/7/2020 của TAND tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng và nội dung. (Nội dung này chúng tôi đã phản ánh trong bài báo “Lạng Sơn: Bản án vi phạm thủ tục tố tụng và nội dung bị Viện kiểm sát kháng nghị” - Báo Bảo vệ Pháp luật, ngày 6/8/2020).

VKSND tỉnh Lạng Sơn cho rằng việc thu thập tài liệu, chứng cứ và đánh giá chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm Điều 84, Điều 95 Luật tố tụng hành chính, nhưng bản án sơ thẩm đã xử bác yêu cầu khởi kiện - là chưa đảm bảo căn cứ, ảnh hưởng quyền lợi của các đương sự.

leftcenterrightdel
 Quyết định kháng nghị của VKSND tỉnh Lạng Sơn chỉ ra nhiều vi phạm của bản án sơ thẩm.

Với những vi phạm trong vụ án, VKSND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định kháng nghị đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 06/2020/HC-ST ngày 17/7/2020 của TAND tỉnh Lạng Sơn theo thủ tục phúc thẩm. Đồng thời, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội căn cứ Khoản 3 Điều 241 Luật tố tụng hành chính, xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy Bản án sơ thẩm nói trên, giao hồ sơ để TAND tỉnh Lạng Sơn xét xử sơ thẩm lại.

Ngày 9/12, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hành chính nêu trên vào ngày 24/12/2020. 

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Trung, GĐ công ty TNHH MTV Tâm Trung chia sẻ: “Đã hơn 2 năm kể từ ngày gia đình tôi bị cưỡng chế lần đầu theo các Quyết định của Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc thời gian này là ông Nguyễn Trọng Nghĩa. Ông Nghĩa tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn ngày ngày 26/6 đã bị kỷ luật vì trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc đã vi phạm khuyết điểm khi lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện (từ năm 2017 đến tháng 9/2019) - cũng là thời gian ông Nghĩa ký các Quyết định cưỡng chế sai đối với nhà cửa của gia đình tôi.”

leftcenterrightdel
 Ông Phạm Văn Trung, GĐ công ty TNHH MTV Tâm Trung chia sẻ với phóng viên.

“Sắp tới là phiên xử phúc thẩm, chúng tôi rất kỳ vọng Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử thật khách quan, công tâm, đúng luật định.” - Ông Trung mong mỏi.

Trong vụ việc trên, đồng tình với quan điểm của Viện kiểm sát, bà Lê Hồng Xiêm, Văn phòng luật sư Lê Xiêm, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Trong vụ án này, chúng tôi được biết rằng UBND tỉnh Lạng Sơn đã có những chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu UBND huyện Cao Lộc xem xét lại trình tự, thủ tục nhưng UBND huyện Cao Lộc đã không chấp hành và không những không xem xét theo chỉ đạo mà còn tổ chức cưỡng chế vượt quá Quyết định 2800. Tôi cho rằng như thế là không đúng.”

Báo BVPL sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc khi có diễn biến mới.

P.V