Hàng năm, cứ đến ngày 16/3, người dân từ khắp mọi miền đất nước cùng nhiều đoàn khách nước ngoài về tại Khu chứng tích Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) để cùng nhau cầu nguyện cho 504 oan hồn Sơn Mỹ được siêu thoát. 

Những vòng hoa, những nén hương được dâng lên trước Tượng đài tưởng niệm 504 thường dân Sơn Mỹ, cùng đó là những tiếng chuông vang lên nhắc nhở mọi người không bao giờ quên hậu quả khốc liệt của chiến tranh và sự vô giá của hòa bình.

leftcenterrightdel
Người dân dâng hương tại tượng đài khu chứng tích Sơn Mỹ.  

Ký ức của những người trong cuộc

Đã 52 năm trôi qua, thời gian có thể làm phai đi mọi thứ nhưng trong tâm trí của người dân Sơn Mỹ từng chứng kiến vụ thảm sát vẫn không thể quên được buổi sáng 16/3/1968 đầy đau thương, mất mát. Nơi mà chỉ trong vòng 4 tiếng, lính Mỹ đổ bộ bằng trực thăng, điên cuồng lùng sục từng căn nhà, từng căn hầm và mọi ngóc ngách để tìm và tiêu diệt người dân địa phương mà không vấp phải bất cứ một hành động phản kháng nào. 

504 người dân vô tội đã thiệt mạng trong vụ thảm sát kinh hoàng này, trong đó có 182 phụ nữ (17 người đang mang thai), 173 trẻ em, 60 cụ già và 89 trung niên đã bị sát hại dã man; 247 ngôi nhà bị thiêu hủy, hàng ngàn gia súc, gia cầm bị giết chết, lương thực mùa màng bị đốt và phá hoại hoàn toàn. Ngôi làng Sơn Mỹ vốn thanh bình chỉ trong một buổi sáng đã chìm trong đau thương, tang tóc. Vụ thảm sát đã gây chấn động những dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Bà Lê Thị Em, trú xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, là một trong số ít  những người sống sót trong cuộc thảm sát, năm nay dù đã bước qua tuổi 88, hai chân đã yếu, đôi mắt cũng đã mờ đi, nhưng khi nghe nhắc đến vụ thảm sát cách đây 52 năm, bà lại dậy lên cảm giác rùng mình. Không muốn kể về cái ngày đau thương ấy nhưng trong tâm trí bà, ký ức tang thương ấy chưa một ngày thôi nhói buốt.

Bà Lê Thị Em nhớ lại: “Sáng 16/3/1968 cũng bình thường như mọi ngày khác, hầu hết các gia đình đều đang ở nhà chuẩn bị cho một ngày lao động mới thì nghe tiếng pháo dồn dập kéo dài. Một đoàn máy bay trực thăng chở lính Mỹ đổ bộ xuống phía Tây xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung và xóm Gò, thôn Cổ Lũy. Lính Mỹ xông vào xóm Thuận Yên, lùng sục khắp nơi và bắn bất cứ người nào mà chúng gặp. Thấy vậy, tôi sợ quá, vội kéo 2 con chạy xuống hầm trú ẩn. Tuy nhiên, bọn lính lục soát khắp các căn hầm và trong nhà, lôi những người còn sống ra khỏi hầm, dồn lại thành từng nhóm rồi xả súng... Lúc đó, tôi cùng 2 đứa con ngồi bẹp ở hàng phía sau. Vì quá sợ nên tôi ôm con nằm úp xuống giữa đám người. Lúc đó, người chết quá nhiều, xác chết ngã xuống chồng lên mẹ con tôi nên tôi cùng hai đứa nhỏ may mắn sống sót”. Bà kể với giọng run run. “Thật khủng khiếp và đau đớn tột cùng, bà con hàng xóm từng người, từng người ngã xuống trước họng súng của lính Mỹ”, bà Em nước mắt lưng tròng.

Ông Đỗ Ba (61 tuổi), trú xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, bộc bạch: “Hồi đó, tôi chỉ là cậu bé 9 tuổi, nhà ở ngoài khu Chứng tích Sơn Mỹ. Sáng hôm đó như bao buổi sáng khác, tôi dẫn hai đứa em vào thôn Tư Cung chơi thì thấy lính Mỹ rà hàng loạt đạn bắn vòng quanh xóm. Lúc này, tôi liền dẫn 2 đứa em về lại nhà với mẹ. Thế nhưng, vừa về đến nhà thì lính Mỹ ập vào, chĩa súng bắt mẹ, anh ruột, tôi và 2 đứa em ra bờ kênh cùng với nhiều người trong xóm, rồi xả súng. Đến tầm 15 phút sau, chúng ngưng bắn, rồi tiến vào sâu trong xóm, vào từng nhà gặp gì bắn đó từ trâu, bò, gà, vịt…”.

Giờ đây, tóc ông đã bạc phơ. Mỗi lần nhắc đến quá khứ đau thương, đôi mắt ông lại đỏ hoe. Mẹ cùng anh trai và 2 người em đã mãi mãi ra đi, riêng ông may mắn thoát chết khi bị vùi lấp trong đống xác người ngổn ngang nằm chồng lên nhau. Cuộc thảm sát kinh hoàng 52 năm về trước đã biến làng quê Sơn Mỹ nhuốm màu tang tóc. Nỗi đau đó, người dân Sơn Mỹ không thể nào quên, nhưng giờ là lúc nói đến hòa bình, nói về sự hồi sinh trên mảnh đất này.

leftcenterrightdel
Bức ảnh mà cựu binh Mỹ tặng ông Đỗ Ba. 

“Hàng năm, cứ đến ngày 16/3, chứng kiến nhiều người Mỹ đến đây sám hối về những tội lỗi trong quá khứ, tôi và những người dân ở Sơn Mỹ đã dần nguôi ngoai nỗi đau của mình. Tình người, tấm lòng vị tha, bao dung luôn thường trực trong tim của mỗi người dân Sơn Mỹ. Chúng tôi gác lại quá khứ để hướng đến tương lai vì hòa bình và sự ổn định. Và chúng tôi cũng mong muốn không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới, đừng để xảy ra chiến tranh nữa”, bà Em nói.

Hồi sinh “vùng đất chết”

Chiến tranh đi qua để lại trên mảnh đất này nỗi đau xé lòng. Cái nghèo hiển hiện trong từng ngôi nhà, trên từng ngả đường làng và cả trên từng khuôn mặt người dân. Nhưng nén lại những đau thương đó, bằng ý chí và nghị lực phi thường, những con người chịu nhiều mất mát, đau thương đã vượt qua những năm tháng cơ cực đó. Người dân Sơn Mỹ quyết chí bám đất, bám làng, chung tay xây dựng lại quê hương, phủ một màu xanh trù phú lên vùng đất đầy dấu tích lịch sử này.

Chúng tôi đến Sơn Mỹ vào những ngày giữa tháng Tư. Nhìn khung cảnh yên bình với những cánh đồng lúa trải dài, xanh mướt, những mái nhà kiên cố mọc lên san sát, khó có thể tin được, cách đây 52 năm về trước, mảnh đất này đã từng phải gánh chịu nỗi đau thương đến tận cùng bởi cuộc thảm sát do lính Mỹ gây ra.

Thấm thoắt cũng đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, từ một nơi được mệnh danh là “vùng đất chết”, Sơn Mỹ giờ đây đã xanh thắm trở lại. Cuộc sống của người dân đang dần thay da đổi thịt, sự mất mát, đau thương giờ chỉ còn ẩn sâu trong ký ức của mỗi gia đình, mỗi con người và biến thành động lực để họ cùng nhau xây dựng lại quê hương như hôm nay. Trên con đường bê tông cắt qua những ngôi mộ tập thể từng là nỗi ám ảnh của nhiều người, giờ đây là một cánh đồng xanh tươi, trù phú.

Với ý chí vượt qua tất cả, mấy chục năm qua, gia đình ông Đỗ Ba đã cật lực trồng trọt, chăn nuôi để ổn định cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học. Nhờ đó, gia đình ông trở thành một trong những hộ có thu nhập khá trong làng, các con được ăn học đến nơi đến chốn.

“Bằng đôi tay cần cù, chịu thương chịu khó, người dân Sơn Mỹ đã xây dựng lại quê hương từ đống tro tàn, đổ nát và tạo nên sức sống mới cho quê hương. Đến nay, quê hương Sơn Mỹ đã có những bước khởi sắc đáng mừng. Cuộc sống của người dân bây giờ đầy đủ, thoải mái hơn rất nhiều so với trước đây, từ vật chất cho đến tinh thần”, ông Ba thổ lộ.

Từ khát vọng vươn lên chiến thắng đói nghèo, đến nay, hơn 200 gia đình là nạn nhân hoặc có người thân bị sát hại trong vụ thảm sát Sơn Mỹ đều đã có cuộc sống ổn định, với mức thu nhập bình quân 45 triệu đồng/hộ/năm. Sơn Mỹ hồi sinh và phát triển. Làng quê trù phú, yên bình. Đó là nhờ nỗ lực của chính quyền và người dân, đồng thời có cả sự góp sức từ những cựu binh Mỹ, những người muốn sửa lỗi lầm mà họ đã gây nên cho vùng đất này.

Về Sơn Mỹ hôm nay có thể thấy người dân vốn yêu lao động “chân đồng, chân biển” hăng hái tăng gia sản xuất. Mỗi sáng sớm, cuộc sống lại rộn lên với biển xanh, cát trắng, những con thuyền rẽ sóng ra khơi, những người nông dân ra đồng cặm cụi... Sơn Mỹ hôm nay còn là một trong những địa chỉ du lịch nổi tiếng ở Quảng Ngãi, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Ông Trần Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân xã nhà đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho việc kết nối lưu thông và đi lại của người dân. Trên các tuyến đường trục chính hầu như đã có điện chiếu sáng. 100% con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, hệ thống trường, lớp học các cấp từ mầm non đến trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống kênh mương nội đồng được chính quyền đầu tư, kiên cố hóa. Đời sống của người dân Sơn Mỹ vì thế cũng được nâng lên đáng kể. 

“Năm 2015, xã Tịnh Khê được công nhận là xã nông thôn mới. Đến cuối năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo là 2,83%, nhưng năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,78%. Dự kiến năm 2020-2021, xã sẽ lên phường. Vùng đất anh hùng đang tiếp nối truyền thống cha ông và những kết quả đạt được là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của đất và người nơi đây.”, ông Trần Quang Minh nói.

Sơn Mỹ điểm đến hòa bình

Từng là một biểu tượng của nỗi đau trong chiến tranh, Sơn Mỹ giờ đây đã trở thành điểm đến của hòa bình, thân thiện và hiếu khách. Mỗi năm, Khu chứng tích Sơn Mỹ đón gần 100 nghìn du khách đến từ gần 100 quốc gia khác nhau. Trong số đó có không ít những cựu binh Mỹ đã tìm về nơi đây trong tâm thế của sự hối lỗi, để đối diện với sự thật, đối diện với chính mình. Người dân Sơn Mỹ đã vượt qua nỗi đau, mất mát, đau thương to lớn để mở vòng tay bao dung tha thứ, chân tình đón tiếp họ.

Suốt hơn hai chục năm qua, cứ vào dịp 16/3, cựu binh Mỹ Billy Kelly đều có mặt tại khu Chứng tích Sơn Mỹ, để dâng lên 504 bông hồng tưởng niệm các nạn nhân vô tội.
Người cựu binh Mỹ sinh năm 1943 này trong những năm 1968-1969 đã tham chiến tại Đức Phổ (Quảng Ngãi), cách Sơn Mỹ hơn 80km. Sau khi vụ thảm sát xảy ra, ông cảm thấy bàng hoàng và bị ám ảnh suốt đời. Suốt nhiều năm sau đó, Billy Kelly liên tục về Sơn Mỹ, làm nhiều việc kể cả lao động chân tay để giúp người dân nơi đây phần nào hàn gắn nỗi đau. Ông cũng từng bày tỏ nguyện vọng, sau khi chết tro cốt của mình sẽ được rải quanh khu chứng tích này.

Năm nay, vì lý do sức khỏe và đại dịch COVID-19, không thể sang Việt Nam, Billy Kelly đã gửi 504 đóa hồng dâng lên 504 nạn nhân Sơn Mỹ, kèm theo dòng tâm sự trên tấm thiếp: “Tôi rất buồn vì năm nay không về thăm Sơn Mỹ, nhưng tôi luôn luôn cầu nguyện cho các bạn. Mãi mãi không quên”.

Hiện do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng du khách đến Khu chứng tích giảm nhiều. Nhưng vẫn có những du khách nước ngoài tiếp tục đến với Sơn Mỹ để cùng cảm thông, sẻ chia những đau thương, mất mát, cùng chứng kiến sự hồi sinh của Sơn Mỹ hôm nay. 


Xuân Nha - Nguyễn Toàn