Ngày 30/10, VKSND tối cao Việt Nam và Viện Hợp tác pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp CHLB Đức đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến tại 2 điểm cầu Việt Nam và Đức với chủ đề: Chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và CHLB Đức về các biện pháp phát hiện, thu giữ, bảo quản, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ kỹ thuật số trong giải quyết các vụ án sử dụng công nghệ cao để phạm tội.
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Việt Nam và bà Angela Schmeink, Trưởng đại diện Viện Hợp tác quốc tế về pháp luật tại Berlin và khu vực Châu Á, CHLB Đức đồng chủ trì Hội thảo.
Các đại biểu tham gia Hội thảo, về phía Việt Nam có nhiều đơn vị Vụ, Cục thuộc VKSND tối cao; VKSND cấp cao tại Hà Nội; Điều tra viên, cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao; Kiểm sát viên VKSND thành phố Hà Nội; Ban Giám hiệu, Giảng viên hình sự của trường ĐH Kiểm sát Hà Nội; Văn phòng Cơ quan điều tra Bộ Công an; Học viện Cảnh sát nhân dân… Về phía Đức, tham dự Hội thảo còn có ông Andreas May, Công tố viên cao cấp, Viện Công tố CHLB bang Đức.
|
|
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, đồng chí Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ 13, VKSND tối cao – đơn vị Thường trực tổ chức hội thảo cho biết, thực hiện Chương trình Hợp tác Đối thoại Nhà nước pháp quyền giai đoạn 2019-2022 giữa Việt Nam và CHLB Đức; được sự đồng ý của Lãnh đạo VKSND tối cao, VKSND tối cao phối hợp với Viện hợp tác quốc tế về pháp luật, CHLB Đức đồng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và CHLB Đức về các biện pháp phát hiện, thu giữ, bảo quản, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ kỹ thuật số trong giải quyết các vụ án sử dụng công nghệ cao để phạm tội.”.
|
|
Đồng chí Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ 13, VKSND tối cao trình bày Báo cáo Đề dẫn Hội thảo. |
Theo kế hoạch ban đầu, hội thảo sẽ được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới, Hội thảo đã chuyển sang tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Mục đích của Hội thảo: Nhằm trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về phát hiện, thu giữ, bảo quản, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ kỹ thuật số trong giải quyết các vụ án sử dụng công nghệ cao để phạm tội giữa Công tố viên CHLB Đức và các Kiểm sát viên, điều tra viên của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, những năm gần đây, với sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng Internet đã làm nảy sinh và phát triển nhanh chóng tội phạm công nghệ cao tại Việt Nam. Hoạt động phạm tội của các đối tượng sử dụng công nghệ cao ngày càng phổ biến, gia tăng mạnh về số lượng đối tượng và số vụ phạm tội với thủ đoạn ngày càng tinh vi; mức độ, tính chất ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, mang đậm tính chất của tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia. Tội phạm công nghệ cao đã và đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên toàn thế giới nói chung.
|
|
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao điều hành Hội thảo. |
Việc xuất hiện các hành vi phạm tội có sử dụng công nghệ thông tin đã làm thay đổi nhận thức, cách tiếp cận cũng như thực tiễn điều tra loại tội phạm này của các cơ quan thực thi pháp luật. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 của Việt Nam ra đời có ý nghĩa lớn đối với thực tiễn công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội. Bộ luật đã bổ sung thêm quy định về nguồn chứng cứ mới là dữ liệu điện tử…
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc phát hiện, thu giữ, phục hồi, bảo quản, đánh giá, sử dụng chứng cứ điện tử thường gặp nhiều khó khăn do người phạm tội có thể xóa, sửa nhanh chóng nhằm che dấu hành vi tội phạm; hành vi phạm tội không bị hạn chế về không gian, thời gian… Do vậy, việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về thu giữ, bảo quản, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ kỹ thuật số với các quốc gia có thế mạnh về phát triển các thành tựu khoa học kỹ thuật hình sự, đặc biệt là kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, trong đó có kinh nghiệm của các đồng nghiệp đến từ Viện công tố Cộng hòa liên bang Đức trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm phát sinh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là hết sức cần thiết.
|
|
Hình ảnh trực tuyến Hội thảo tại 2 điểm cầu Việt Nam và CHLB Đức. |
Sau một buổi chiều làm việc khẩn trương, nghiêm túc, các đại biểu dự hội thảo đã được nghe 4 bài phát biểu tham luận, trong đó có 1 bài của Công tố viên cao cấp đến từ Viện Công tố Cộng hòa Liên Bang Đức và 3 tham luận phát biểu của các chuyên gia Việt Nam cùng phần giải đáp các câu hỏi thảo luận của các chuyên gia Việt Nam đối với các chuyên gia CHLB Đức.
Phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định, qua phần trình bày của các chuyên gia và sự trao đổi thảo luận tích cực, các đại biểu tham dự hội thảo đã hình dung và so sánh những điểm giống và khác nhau giữa quy định của pháp luật Việt Nam và CHLB Đức về dữ liệu điện tử và chứng cứ kỹ thuật số; khó khăn, vướng mắc của cả Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức trong việc thu giữ, bảo quản, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ kỹ thuật số trong đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao…
|
|
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo. |
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng đề nghị, các đại biểu tham dự hội thảo tiếp tục tích lũy, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cũng như vướng mắc về các quy định pháp luật có liên quan; đề xuất những giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội.
“Trong thời gian tới, trước bối cảnh thế giới toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đất nước ngày càng chủ động hội nhập, loại hình tội phạm an ninh phi truyền thống, tội phạm phát sinh trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh toàn cầu, tội phạm công nghệ cao được dự báo ngày càng phát triển và diễn diễn phức tạp, để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm này, VKSND tối cao Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Bộ Tư pháp CHLB Đức, nhận được sự hỗ trợ của Viện hợp tác quốc tế về pháp luật, CHLB Đức trong việc mở các khóa đào tạo bồi dưỡng về các kỹ năng nghiệp vụ nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ, kiểm sát viên Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng’’ - Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh.
|
|
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Phát biểu đáp từ, bà Angela Schmeink, Trưởng đại diện Viện Hợp tác quốc tế về pháp luật tại Berlin và khu vực Châu Á, CHLB Đức khẳng định, Hội thảo đã rất thành công và đạt được nhiều nội dung quan trọng. Bà Angela Schmeink khẳng định, Viện Hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp CHLB Đức rất hân hạnh và vui mừng trước sự hợp tác ngày càng phát triển với VKSND tối cao Việt Nam. Bà Angela Schmeink cũng bày tỏ hi vọng mối quan hệ hợp tác giữa Viện Hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp CHLB Đức và VKSND tối cao Việt Nam sẽ ngày càng phát triển trên tinh thần hiểu biết và trao đổi, học hỏi lẫn nhau vì sự phát triển chung của các cơ quan trong hệ thống Tư pháp Việt Nam và CHLB Đức…
Thêm 1 số hình ảnh tại Hội thảo:
|
|
Đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo. |
|
|
Đồng chí Lại Kiên Cường, Phó trưởng khoa Toán - Tin học và Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an trình bày tham luận tại Hội thảo. |
|
|
Đồng chí Cao Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ 1, VKSND tối cao trình bày tham luận tại Hội thảo. |
|
|
Các đại biểu dự Hội thảo. |