|
|
TS. Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND tối cao cùng tập thể Ban giám hiệu nhà trường và các đồng chí học viên tham dự Khóa học. |
TS. Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND tối cao về dự và chỉ đạo Lễ khai giảng khóa học. Học viên của khóa học là Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, lãnh đạo VKSND cấp huyện, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên VKSND các cấp thuộc khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc khóa học, đồng chí Trần Hưng Bình – Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường nêu, toàn cầu hóa nói chung - Hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp nói riêng đang là xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta. Trong những năm qua, công tác hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát nhân dân bước đầu đã thực hiện tốt chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đã chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tuy nhiên, so với yêu cầu và khả năng thì công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định, như: Việc triển khai một số hoạt động hợp tác quốc tế chưa đồng bộ; phạm vi và quy mô còn nhỏ; việc ký kết, triển khai trong một số trường hợp còn chậm... Những hạn chế nêu trên chủ yếu do một số nguyên nhân như: Khung pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự còn chưa đầy đủ; việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chưa kịp thời. Nhận thức của một bộ phận cán bộ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hợp tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp hiện nay chưa đầy đủ; công tác quản lý, phối hợp trong hợp tác quốc tế chưa được quan tâm đúng mức, chưa được thường xuyên. Đội ngũ công chức làm công tác hợp tác quốc tế vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Số lượng chuyên gia về pháp luật quốc tế, giỏi ngoại ngữ trong Ngành chưa nhiều. Công chức làm công tác hợp tác quốc tế chỉ có ở cấp trung ương, ở địa phương còn thiếu và chỉ kiêm nhiệm. Kinh phí, điều kiện vật chất để thực hiện công tác hợp tác quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu công tác v.v...
|
|
TS. Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND tối cao giảng bài cho học viên |
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới đang có những chuyển biến hết sức nhanh chóng, phức tạp. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã và đang tạo ra cả cơ hội và thách thức trên tất cả các lĩnh vực của đất nước, trong đó có hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân chúng ta. Cùng với hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội, các tranh chấp quốc tế, các loại tội phạm quốc tế, tham nhũng, ma túy, công nghệ cao, tội phạm phi truyền thống… được dự báo ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cơ quan tư pháp, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân, phải chủ động, tích cực hợp tác quốc tế sâu rộng và toàn diện mới chủ động đấu tranh phòng, chống có hiệu quả.
Trước yêu cầu đó, việc Tổ chức học tập, triển khai quán triệt sâu sắc, đầy đủ, nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; gắn với các quan điểm, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể, dài hạn về hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát nhân dân trong tình hình mới cho công chức, viên chức VKSND các cấp là việc làm cần thiết.
Sau phần Lễ khai mạc kết thúc, TS. Trần Công Phàn - PVT VKSND tối cao và các chuyên gia bước vào phần giảng bài cho học viên. Trong đó, TS. Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND tối cao trình bày Tổng quan về công tác hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát nhân dân.
Bên cạnh đó, lớp học cũng sẽ được bồi dưỡng về các kỹ năng về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và phối hợp thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp trên các lĩnh vực về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động v.v... về yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò của VKSND các cấp trong tương trợ tư pháp hình sự và những hoạt động hợp tác quốc tế khác nhằm thực hiện tốt các yêu cầu tương trợ, thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp hình sự; tăng cường phối hợp với cơ quan trung ương của nước ngoài trong việc tiếp nhận, giải quyết kịp thời các yêu cầu tương trợ tư pháp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Phi Sơn