Theo thông tin từ Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ năm 2013 đến 2019, Việt Nam có 3.476 người là nạn nhân của các vụ mua bán người, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (trên 90%), đa số là người dân tộc thiểu số.

Thống kê của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc cho thấy, trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của tình trạng khủng bố, xung đột, bạo lực… Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng 510 đường dây mua bán người trên thế giới.

leftcenterrightdel
 Các cơ quan chức năng của Trung Quốc và Việt Nam bàn giao nạn nhân bị lừa bán.

Tại Việt Nam, qua điều tra 1.232 vụ mua bán người, Bộ Công an đã xác định nạn nhân mua bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người dân chỉ làm ruộng hoặc không có việc làm, gặp những chuyện éo le về gia đình, tình cảm, trình độ học vấn thấp.

Các đối tượng mua bán người, thường lợi dụng sự khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân thiểu số để làm quen, giả vờ kết bạn, môi giới hôn nhân... để lừa nạn nhân bán ra nước ngoài. Đặc biệt, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, nhiều đối tượng nước ngoài vào Việt Nam câu kết với đối tượng cò mồi, môi giới đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động trái phép. Khi ra nước ngoài, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hoặc báo cơ quan chức năng để trục xuất nạn nhân về nước.

Nhằm hỗ trợ nạn nhân của nạn buôn bán người, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động trợ giúp nạn nhân của nạn mua bán người. Cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập.

Từ năm 2013 đến tháng 6/2019, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, hỗ trợ 2.961 nạn nhân, trong đó có 2.891 phụ nữ và 528 người dưới 18 tuổi… Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội đối với nạn nhân của nạn mua bán người gồm: Cung cấp các nhu cầu thiết yếu, trợ giúp về y tế, tâm lý, pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, vay vốn sản xuất…

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong việc quy định cơ quan, tổ chức thực hiện việc trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ y tế, hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân cũng như về chế độ và thời gian hỗ trợ nạn nhân. Một số bộ, ngành và địa phương vẫn xem nhẹ công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, chưa thấy được nguy cơ và hậu quả do tội phạm mua bán người gây ra.

Theo các chuyên gia, thời gian tới cần có quy định cụ thể hơn trong việc xác minh nạn nhân của nạn mua bán người, thời gian lưu giữ nạn nhân tại địa phương như thế nào, việc chăm sóc, bảo vệ nạn nhân ra sao…

Đồng thời, cần thiết lập cơ chế phối hợp, hỗ trợ giữa các ban, ngành trong việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người, tránh sự đùn đẩy giữa các đơn vị. Ngoài ra, cần đào tạo đội ngũ hỗ trợ các kỹ năng cần thiết để quan tâm, sâu sát hơn đến nạn nhân mua bán người giúp họ ổn định cuộc sống.

 

Ngọc Anh