Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng nay (ngày 2/7).
Cũng tại báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và tình hình thực hiện nhiệm vụ; một số vướng mắc trong thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Bộ trưởng cho hay, ngay từ những tháng đầu năm, nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19, Chính phủ nhận định đúng tình hình, linh hoạt trong điều hành.
|
|
Theo báo cáo, trách nhiệm của một số bộ, ngành trong xử lý công việc chung chưa cao. ( ảnh:VGP) |
Theo đó, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Khi tình hình được kiểm soát, đã nhanh chóng chuyển trọng tâm thực hiện “mục tiêu kép” - vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong “trạng thái bình thường mới”.
Vì vậy, công tác phòng, chống dịch đã đạt kết quả quan trọng và ý nghĩa lớn. Việt Nam được dư luận thế giới đánh giá cao về bản lĩnh, ý chí, phương pháp phòng chống dịch bệnh; khẳng định truyền thống cao đẹp, đoàn kết đồng lòng, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta; củng cố sự tin tưởng của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ.
Đặc biệt, đã hoàn thiện khung khổ pháp luật, tháo gỡ rào cản, giải phóng mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội là một nội dung nổi bật khác của công tác chỉ đạo, điều hành.
Cùng với đó, tiếp tục xác định công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế theo hướng khơi thông các điểm nghẽn, phát triển các mô hình kinh tế mới, tranh thủ cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, các hiệp định thương mại tự do và đón đầu xu hướng dịch chuyển đầu tư FDI.
“Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ công tác rà soát vướng mắc, bất cập, chồng chéo của pháp luật. Bước đầu xác định nhiều mâu thuẫn, thiếu đồng bộ của một số luật trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh để kiến nghị Quốc hội sửa đổi”- Bộ trưởng cho biết.
Chính phủ cũng tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tranh thủ thời cơ, phục hồi và phát triển nền kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng luôn chỉ đạo theo dõi sát tình hình, chủ động các giải pháp về tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền tệ, tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, trong báo cáo cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế, mà trước hết là việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật còn chậm; vướng mắc, bất cập của chính sách chậm được khắc phục.
Trách nhiệm của một số bộ, ngành trong xử lý công việc chung chưa cao. Công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền nhưng không dám làm, thiếu quyết liệt, né tránh, thậm chí đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa tích cực thay đổi, chưa có nhiều đổi mới bứt phá cả về phương pháp quản lý điều hành và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Có địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ, phụ thuộc, tư duy cũ, chậm phản ứng với những vấn đề phát sinh.”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trong 6 tháng, Chính phủ đã thảo luận, thông qua 7 dự án luật, 4 đề nghị xây dựng luật và đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020, thảo luận nhiều dự thảo nghị quyết quan trọng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; ban hành 71 nghị định, 120 nghị quyết thường kỳ và chuyên đề. Thủ tướng Chính phủ ban hành 21 quyết định quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách; đã quan tâm chỉ đạo gắn hoàn thiện thể chế với tổ chức thi hành pháp luật.
|