Đây là một trong những nội dung phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng nay (2/7).

leftcenterrightdel
Thủ tướng cho rằng, cố gắng giữ lạm phát dưới 4% đúng mục tiêu QH đề ra, nếu không giữ được chỉ tiêu này sẽ phá vỡ tất cả các chỉ tiêu khác. ( ảnh: VGP) 

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, là một nước hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động với tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.

Ngoài ra, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Cụ thể, xuất siêu đạt mức 4 tỉ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507.200 lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng, có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong Quý 2 tăng trưởng giảm mạnh, chỉ tăng 0,36%, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn…Song nhìn tổng thể, các chỉ tiêu lớn của nền kinh tế vẫn bảo đảm, nhất là thị trường chứng khoán khởi sắc, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trong cho phục hồi phát triển kinh tế; thu ngân sách đạt khá, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, mang lại niềm tin cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Thủ tướng cũng cho biết, đời sống nhân dân vẫn được bảo đảm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, những vụ án lớn, những băng nhóm tội phạm được điều tra, xử lý...

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Dự báo tình hình kinh tế, xã hội còn rất khó khăn, trong bối cảnh này chúng ta phải làm gì để bước vào trạng thái bình thường mới đòi hỏi chúng ta phải có những chính sách, những giải pháp”. Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hiến kế, tiếp tục thực hiện các  giải pháp, trong đó tập trung vào 7 vấn đề chính như: chính sách đảm bảo kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển một số lĩnh vực kinh tế, làm thế nào để thu hút vốn đầu tư, thu hút nguồn lực nhân dân…

“Cố gắng giữ lạm phát dưới 4% đúng mục tiêu QH đề ra, nếu không giữ được chỉ tiêu này sẽ phá vỡ tất cả các chỉ tiêu khác”- Thủ tướng nói.

Đặc biệt, không để  dịch COVID-19 quay trở lại, không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Đối với vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng các bộ, ngành cần tìm những giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, không được để tình trạng quyền anh quyền tôi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Và nhấn mạnh đây là yêu cầu trong Hội nghị này.

Đồng thời, cần có những giải pháp để phát triển một số lĩnh vực kinh tế như: kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị, phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, phát triển BĐS…

Minh Nhật