Tham dự hội nghị có đồng chí Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT); TS. Trần Công Trục - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao; TS. Trung tá Nguyễn Thanh Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cùng đại diện Lãnh đạo và chuyên viên Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố miền Bắc; Cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại...
Phát biểu khai mạc, ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Việt Nam là quốc gia có vấn đề về an ninh biển đảo đặc biệt hết sức quan trọng như: Phát triển kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường hòa bình của đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Và khẳng định, biển đảo là vấn đề song hành, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao thông quốc tế.
|
|
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hồ Hồng Hải phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Minh Hiếu |
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện tốt các giải pháp để bảo vệ biển đảo, trong đó có giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, tuyên truyền các thông tin kịp thời, minh bạch, chính xác liên quan đến cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử của Việt Nam trên vùng biển đến người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, và người dân trên thế giới.
|
|
Tài liệu tham khảo liên quan đến bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia các vùng biển và hải đảo của Việt Nam. |
Theo đó, Bộ TT - TT cũng đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền về biển đảo (giai đoạn 2022-2025) đến các nhà báo, biên tập viên, các cán bộ làm công tác truyền thông… từ đó, truyền tải chính sách pháp luật về chủ quyền biển đảo đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã tiến hành thảo luận những vấn đề: Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về biển, hải đảo; vị trí, vai trò của biển và đại dương đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tiềm năng, lợi thế, tình hình phát triển kinh tế biển Việt Nam gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Thông tin, tuyên truyền về quy định và việc thực thi Công ước Luật biển năm 1982. Tình hình bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Việt Nam trong thời gian vừa qua; công tác đấu tranh và các giải pháp bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao phát biểu trình bày về “Tình hình thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong những năm gần đây”. Trong chuyên đề này, ông bày tỏ mong muốn các phóng viên, nhà báo sẽ tích cực đẩy mạnh đưa tin giúp công chúng không chỉ trong nước mà cả bạn bè quốc tế hiểu được chính xác những gì thuộc về chủ quyền biển đảo, thông qua các khái niệm đã được quy ước, những gì thuộc về pháp lý từ cái tên riêng “Biển Đông” chứ không phải “biển Đông”, đến cảnh giác để nhận diện các thuật ngữ lập lờ, chưa chuẩn xác gây hiểu nhầm, thất thiệt.
|
|
TS. Trần Công Trục, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Hiếu |
Trình bày về vị trí, vai trò quan trọng của biển và đại dương, chính sách, pháp luật của Việt Nam trên biển và hải đảo, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, Tiến sĩ - Trung tá Nguyễn Thanh Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia biển, do vậy, biển đảo có vị trí, vai trò rất quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện ở 3 phương diện: quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế; hợp tác quốc tế.
Đối với các nước trên thế giới, hệ thống biển và hải đảo và đại dương được quan tâm như thế nào thì Việt Nam cũng quan trọng vị trí, vai trò của biển cũng không nằm ngoài sự phát triển đó. Bên cạnh việc quan tâm đến việc khai thác kinh tế biển, còn phải chú trọng đến hệ thống chính sách và pháp luật về biển của Việt Nam về lịch sử quản lý, xác lập chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
|
|
Trung tá TS. Nguyễn Thanh Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Minh Hiếu |
Trung tá Nguyễn Thanh Minh nhấn mạnh, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vẫn là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển bằng biện pháp pháp luật. Đề nghị các cán bộ làm công tác truyền thông sẽ luôn gắn kết, đồng hành cùng Cảnh sát biển Việt Nam trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về vấn đề bảo vệ biên giới Tổ quốc đến với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới đất liền và hải đảo...