Sáng 29/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thắng lợi của nhân dân, dưới sự lãnh đạo kịp thời của Đảng
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nêu bật kết quả phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương như: Bảo đảm an ninh, trật tự, triển khai nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phòng, chống dịch của Bộ Công an; huy động lực lượng xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội của Bộ Quốc phòng; vận động và huy động xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; truyền thông của các cơ quan báo chí, truyền thông…
Đại diện các bộ, ngành, địa phương nêu bật nhiều mô hình, chương trình, phong trào, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đó là các mô hình: Tổ Covid-19 cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, “Tháp 3 tầng” phân tầng điều trị, Hỗ trợ tư vấn từ xa, Xét nghiệm sàng lọc cho lái xe luồng xanh, Tiếng loa Biên phòng và một số chương trình, phong trào tại cộng đồng như: “Gian hàng 0 đồng”, chương trình “Đi chợ thay - Đi chợ giúp dân”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “ATM gạo”, “ATM oxy”, “Xe cứu thương miễn phí”, “Quán cơm thiện nguyện”...
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta; cách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia trong phòng, chống dịch bệnh. Đại diện WHO chỉ rõ 6 bài học, yếu tố mà Việt Nam đã thực hiện hiệu quả để thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19 để đến nay được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.
Trong đó, Việt Nam có năng lực tốt trong phát hiện, truy vết, khoanh vùng, dập dịch; thực hiện đóng cửa biên giới, phong tỏa các điểm dịch phù hợp; có hệ thống và đội ngũ y tế tận tâm; sáng suốt thực hiện chiến lược vaccine thần tốc; có sự tham gia tích cực của cả cộng đồng; đặc biệt có sự quyết đoán, tận tâm của lãnh đạo Chính phủ trong phòng, chống dịch.
Điểm lại những khoảnh khắc không thể nào quên trong giai đoạn đầy cam go của cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19; những tháng ngày đầy cảm xúc, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả những sự hy sinh, mất mát của đồng bào, đồng chí cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giai đoạn chiến đấu với dịch bệnh chính là thước đo của bài học "lửa thử vàng, gian nan thử sức", thể hiện tinh thần "đoàn kết, tương thân, tương ái" và lòng yêu nước của cả dân tộc.
Nêu bật các kết quả, những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vì có tư duy, phương pháp luận đúng là “đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ; chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân”.
Thủ tướng khẳng định, thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19 là nhờ sự lãnh đạo kịp thời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị mà thường xuyên, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia; sự đồng hành của Chủ tịch nước, Quốc hội, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của chính quyền các cấp; đặc biệt là sự ủng hộ, tin tưởng, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
"Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức", Thủ tướng khẳng định.
|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì Hội nghị (ảnh TTX). |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao các cấp, các ngành, các địa phương, các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và địa phương; đặc biệt cảm ơn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ bộ đội, công an và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống đại dịch COVID-19.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, tri ân tất cả sự đóng góp ý nghĩa, cao cả của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, chia sẻ, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của họ và các lực lượng tuyến đầu trong thời gian vừa qua.
Truyền thông góp phần kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 3 năm chống đại dịch COVID-19, Bộ Thông tin và Truyền thông (Tiểu ban Truyền thông) đã có vai trò quan trọng trong chỉ đạo, định hướng hiệu quả công tác truyền thông, công nghệ phòng, chống dịch COVID-19, góp phần kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội.
Khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát (đầu năm 2020), Bộ Thông tin và Truyền thông đã vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên truyền, quyết liệt thực hiện tốt đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tuyên truyền thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ;... Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành 7 văn bản chỉ đạo, định hướng công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19; từ tháng 7/2021 đến khi kiểm soát được dịch, ban hành 3 Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch trên hệ thống thông tin cơ sở, 22 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở.
Bám sát các mục tiêu tuyên truyền qua từng giai đoạn; tạo sự đồng thuận, đoàn kết toàn dân chống dịch, tin tưởng ủng hộ các giải pháp chống dịch của Chính phủ; phát hiện kịp thời các vấn đề nảy sinh để giải quyết và tham mưu giải quyết, nhất là những vấn đề liên quan đời sống nhân dân; đấu tranh phản bác kịp thời các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19; điều tiết thông tin trên báo chí và trên không gian mạng; thực hiện thế trận truyền thông nhân dân, dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm. Những thông tin sai lệch, tin giả về đại dịch COVID-19 được xử lý với phương châm nhanh nhất, triệt để nhất.
|
|
Truyền thông góp phần kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội.
|
Tiểu ban đã đưa ra các đợt tuyên truyền phù hợp với từng đợt dịch, tập trung tuyên truyền đảm bảo thống nhất, kịp thời, chính xác thông tin các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc.
Báo chí điện tử đã có 2.286.883 tin, bài liên quan đến công tác phòng, chống dịch (từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/9/2023). Trong 3 năm qua, các Đài PTTH đã sản xuất và phát sóng khoảng hơn 880.000 chương trình phát thanh, thời lượng khoảng hơn 2.350.000 phút; hơn 940.000 chương trình truyền hình, thời lượng khoảng hơn 2.570.000 phút. Đăng tải khoảng hơn 1.300.000 chương trình trên trang thông tin điện tử, trên fanpage Facebook, Youtube của các Đài PTTH để tăng độ lan tỏa, thu hút thêm lượt nghe, xem.
Các cơ quan báo chí đối ngoại đã đăng, phát tin, bài, chương trình bằng 13 thứ tiếng, khẳng định nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 tới người nước ngoài ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế.
Báo chí, truyền thông đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về việc Chính phủ luôn thấu hiểu, lắng nghe, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 do các biện pháp phong tỏa, giãn cách kéo dài. Khi xác định chuyển trạng thái chống dịch, từ “Zero COVID” sang “sống chung với COVID”, nhiều giải pháp, đề xuất, kiến nghị tâm huyết được bàn đến, làm sao để “sống chung” có hiệu quả, thích ứng an toàn trong cuộc sống bình thường mới; tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội,…
Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên theo dõi dư luận trong và ngoài nước về tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, đặc biệt là những đánh giá về tác động do dịch bệnh đối với kinh tế, xã hội của Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống dịch COVID-19 của các nước trên thế giới, từ đó kịp thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị, tham mưu phương án tuyên truyền để tạo đồng thuận xã hội trong và ngoài nước.
Về viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông đã phát huy thế mạnh, triển khai nhiều biện pháp, chương trình miễn phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Triển khai các biện pháp kỹ thuật bảo đảm kết nối phục vụ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó có cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới hơn 10 nghìn xã, phường trên cả nước để đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp trọng tâm phòng, chống dịch.
Nhắn tin vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch; phát hơn 44 tỷ âm thông báo đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế cũng như của các địa phương.
Đồng thời, tổ chức triển khai các chương trình nhắn tin vận động người dân ủng hộ phòng, chống dịch qua cổng nhắn tin 1400; Hỗ trợ triển khai các ứng dụng (App) di động phục vụ công tác phòng chống dịch như TIEMCHUNG, PC-COVID, Vn-eID; Triển khai hơn 70 đợt nhắn tin; Tổ chức đường dây nóng tiếp nhận, giải đáp thông tin về COVID-19 qua tổng đài 19009095; Kết nối nền tảng khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 1.951 điểm cầu; Triển khai đầu số (8889) tiếp nhận thông tin cung cấp của người dân.
Đặc biệt, tổ chức các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ công tác sàng lọc thuê bao thông qua mạng viễn thông; Cung cấp số liệu di biến động của thuê bao phục vụ đánh giá việc tuân thủ giãn cách xã hội; Lắp đặt Wi-fi miễn phí tại 505 địa điểm cách ly tập trung ở các địa phương. Hỗ trợ 1.050 tỉ đồng vào Quỹ vắc-xin.
Về triển khai công tác công nghệ phòng, chống dịch, phát triển 14 nhóm nền tảng, công cụ công nghệ phòng, chống dịch với trên 20 ứng dụng khác nhau. Có thể nói, sự phổ biến của việc thanh toán điện tử thông qua mã QR như hiện nay chính nhờ sự quyết liệt triển khai các nền tảng công nghệ số trong giai đoạn chống dịch. Qua thời gian dịch bệnh, hầu hết người dân đã được nâng cao nhận thức, chủ động sử dụng công nghệ trong cuộc sống và công việc. Nhiều quốc gia mất rất nhiều năm để phổ biến được mã QR thì Việt Nam chỉ qua giai đoạn dịch bệnh đã làm được điều này. Đây cũng là tiền đề để hình thành công dân số và phát triển ứng dụng VNeID hiện nay.
Về công tác phục vụ thông tin liên lạc cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 luôn được đảm bảo thông suốt, kịp thời, không đứt gãy, góp phần soát dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
Bài học kinh nghiệm
Truyền thông phải chủ động, đi trước một bước, nhất quán và minh bạch để định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội với mục tiêu để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”, kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại. Các biện pháp, chính sách phòng, chống dịch cần được đánh giá tác động truyền thông trước khi ban hành, cho các cơ quan báo chí, truyền thông tham gia góp ý kiến từ giai đoạn xây dựng để tạo sự đồng thuận của người dân khi triển khai thực hiện. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở về các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.
Phát triển công nghệ phòng, chống dịch cần xác định rõ cái gì là triển khai bắt buộc thống nhất trên toàn quốc, cái gì là linh hoạt triển khai theo đặc thù của bộ, ngành, địa phương.
Đối với nội dung triển khai bắt buộc thống nhất trên toàn quốc, cần có một đầu mối điều phối thống nhất từ phát triển đến triển khai, tránh việc phát triển tự phát, chồng chéo, không bảo đảm chất lượng.
Đối với nội dung linh hoạt triển khai theo đặc thù của bộ, ngành, địa phương, cần có quy định về kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu, tránh tình trạng cục bộ, cát cứ dữ liệu.
Triển khai công nghệ phòng, chống dịch cần xác định rõ thành công 80% nằm ở quyết tâm thực sự của Lãnh đạo và mô hình tổ chức quản lý, 20% nằm ở công nghệ. Khi tổ chức triển khai cần tổ chức mạng lưới hỗ trợ rộng khắp đến tận cấp cơ sở.
|