    |
 |
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 19/5. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Bộ Chính trị giao VKSND tối cao xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét
Trình bày tờ trình, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh, bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương (trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật, mất năng lực hành vi dân sự, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ, người dân tộc thiểu số) và bảo vệ lợi ích công là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện bản chất ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, luôn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, khẳng định nhất quán trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận và được thể chế trong Hiến pháp, pháp luật; công tác này trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định.
    |
 |
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến – Viện trưởng VKSND tối cao trình bày tờ trình. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Tuy nhiên, theo Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến, trên thực tế, trách nhiệm, vai trò khởi kiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực sự hiệu quả; còn xảy ra vụ việc dân sự xâm hại nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công nhưng chưa được các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quan tâm khởi kiện, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhóm dễ bị tổn thương chưa được bảo vệ đầy đủ; đặc biệt, lợi ích công, nguồn lực, tài sản của Nhà nước và xã hội còn bị thất thoát, lãng phí hoặc bị xâm hại.
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là pháp luật chưa quy định cụ thể cơ chế bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức khởi kiện, VKSND chưa được thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự. Chính vì vậy, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW đã giao VKSND tối cao nghiên cứu, xây dựng đề án này.
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến chia sẻ, kết quả nghiên cứu, đánh giá thấy rằng, pháp luật đã quy định việc bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương (gồm 5 nhóm cơ quan, tổ chức, cá nhân) nhưng việc thực hiện chưa hiệu quả (từ năm 2005 đến năm 2023, cơ quan, tổ chức khởi kiện 86 vụ để bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương); đặc biệt, nhiều lợi ích công bị xâm phạm, như: Tài sản công, đầu tư công; đất đai, môi trường, tài nguyên khác; an toàn thực phẩm, dược phẩm; quyền lợi người tiêu dùng… nhưng chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ triệt để, thời gian qua đã phát hiện nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, rất khó khắc phục, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, sức khỏe của nhân dân và lợi ích công cộng.
    |
 |
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Bên cạnh đó, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến chia sẻ, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, ở nhiều quốc gia Viện kiểm sát/Viện công tố có trách nhiệm bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương rất hiệu quả thông qua cơ chế khởi kiện dân sự, nhất là những nước có đặc điểm tương đồng với Việt Nam.
Do vậy, cùng với các cơ chế hiện có, việc giao VKSND có thẩm quyền khởi kiện vụ án dân sự nhằm bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương là yêu cầu của thực tiễn hiện nay, nhằm thông qua cơ chế khởi kiện dân sự để phòng ngừa từ sớm, từ xa, bảo vệ triệt để lợi ích của nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công; chủ trương này cũng phù hợp với Nghị quyết 68-NQ/TW mới được ban hành.
Cùng với đó, theo Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến, Kết luận số 120-KL/TW ngày 22/1/2025 của Bộ Chính trị đồng ý, thông qua kết quả nghiên cứu đề án và giao VKSND tối cao xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh, mục đích ban hành Nghị quyết là để xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự; sau khi kết thúc thí điểm sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá tính hiệu quả của cơ chế này và đề xuất, kiến nghị phù hợp.
Về quan điểm chỉ đạo, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến khẳng định, xây dựng Nghị quyết phù hợp các nguyên tắc cơ bản của pháp luật; bám sát chủ trương của Đảng, yêu cầu của Quốc hội; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; bảo đảm đúng lộ trình, thời hạn theo yêu cầu của Bộ Chính trị.
Các nội dung cơ bản của Nghị quyết
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 Chương, 19 Điều với các nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, quy định nguyên tắc, thẩm quyền xét xử vụ án dân sự (tại Điều 2, Điều 5, Chương III); trong đó, đã quy định về các nội dung sau: Quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật khi khởi kiện, giải quyết vụ án dân sự được thực hiện theo Nghị quyết này hoặc áp dụng quy định tương ứng của Bộ luật Tố tụng dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; VKSND chỉ khởi kiện khi không có chủ thể nào khởi kiện; Quy định thẩm quyền xét xử vụ án dân sự công ích (nơi cư trú của bị đơn, nơi xảy ra hành vi vi phạm hoặc nơi xảy ra hậu quả).
    |
 |
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 19/5. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Thứ hai, quy định trường hợp, trình tự, thủ tục VKSND khởi kiện (các Điều 4, 6, 7, 8, 9, Chương II); trong đó, đã quy định về các nội dung sau: VKSND tiếp nhận thông tin về hành vi xâm phạm quyền dân sự của nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công; Kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ (trưng cầu giám định, định giá tài sản, lấy lời khai, xem xét đánh giá hiện trường,…); Yêu cầu chủ thể có hành vi vi phạm chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả; Thông báo cho các chủ thể dễ bị tổn thương tự khởi kiện; Kiến nghị các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm khởi kiện. Trong thời hạn 30 ngày mà các chủ thể trên không khởi kiện thì VKSND khu vực sẽ khởi kiện, với tư cách là cơ quan Nhà nước đứng ra khởi kiện để bảo vệ lợi ích công hoặc nhóm dễ bị tổn thương (trường hợp vụ việc phức tạp, quy mô lớn, liên quan nhiều địa phương thì VKSND tối cao hoặc VKSND cấp tỉnh thụ lý, khởi kiện hoặc phân công VKS cấp dưới khởi kiện).
Thứ ba, về tổ chức thực hiện Nghị quyết (Chương IV): Dự thảo Nghị quyết quy định về hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 và thí điểm trong 3 năm, tại 6 tỉnh, thành phố sau sáp nhập (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk).
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, VKSND tối cao sẽ tổ chức, bố trí, sắp xếp sử dụng nguồn lực hiện có, không làm phát sinh thêm biên chế và tổ chức bộ máy mới.
Theo Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến, đây là nhiệm vụ mới, phức tạp và khó khăn, khi được Quốc hội thông qua, toàn ngành Kiểm sát sẽ nỗ lực cố gắng thực hiện thí điểm có hiệu quả.
“Vì vậy, cùng với các quy định hiện có thì cơ chế mới này sẽ góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích chung của Nhà nước, xã hội và Nhân dân” - Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến khẳng định.
Hồ sơ dự án Nghị quyết được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị nghiêm túc, công phu
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban nhận thấy, hồ sơ dự án Nghị quyết được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị nghiêm túc, công phu, đủ tài liệu theo quy định đối với dự án trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn. Quá trình chuẩn bị hồ sơ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã bám sát yêu cầu đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật. Nội dung dự thảo Nghị quyết bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi; cơ bản thống nhất với các luật có liên quan.
    |
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tờ trình. |
Đồng thời, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với phạm vi thực hiện thí điểm tại 6 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với phạm vi như sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; nhất trí thời điểm dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 và thời gian thực hiện thí điểm trong 3 năm là phù hợp.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý các nội dung khác trong dự thảo Nghị quyết nhằm bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là các luật cùng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới tại Kỳ họp thứ 9.
|