    |
 |
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 5/12. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, sáng 12/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Trình bày tờ trình, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Lê Minh Trí cho biết, về phạm vi sửa đổi, bổ sung: Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của Tòa án các cấp trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản, tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, có liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy, thẩm quyền của TAND.
    |
 |
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày tờ trình. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Về bố cục của dự thảo Luật: Dự thảo Luật gồm 6 điều, trong đó có 5 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Bộ luật, Luật gồm: Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung 47 điều; bãi bỏ điểm, khoản của 4 điều); Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi, bổ sung 23 điều; bãi bỏ điểm, khoản của 1 điều); Luật Tư pháp người chưa thành niên (sửa đổi, bổ sung 18 điều); Luật Phá sản (sửa đổi, bổ sung 7 điều); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sửa đổi, bổ sung 7 điều; bãi bỏ điểm, khoản của 1 điều) và 1 điều khoản thi hành.
Về nội dung cơ bản: Trên cơ sở mô hình tổ chức TAND 3 cấp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của TAND khu vực, TAND cấp tỉnh, TAND tối cao với các nội dung cơ bản như sau:
Về thẩm quyền của TAND khu vực: Điều chỉnh tăng thẩm quyền của TAND khu vực theo hướng TAND khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính (Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 31 Luật Tố tụng hành chính); giải quyết phá sản (Điều 8 Luật Phá sản); tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 7 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).
    |
 |
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Về thẩm quyền của TAND cấp tỉnh: TAND cấp tỉnh có thẩm quyền phúc thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà bản án, quyết định của TAND khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị (Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 32 Luật Tố tụng hành chính).
Bổ sung thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh (khoản 2 Điều 331, khoản 2 Điều 354 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 260, khoản 2 Điều 283 Luật Tố tụng hành chính); bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (khoản 1 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 266 Luật Tố tụng hành chính).
TAND cấp tỉnh không còn thẩm quyền về giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại.
Về thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao: Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng nghị (khoản 2 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 2 Điều 266 Luật Tố tụng hành chính).
    |
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật với những lý do được nêu tại tờ trình của TAND tối cao. Nội dung dự thảo luật phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án luật đầy đủ, đúng quy định bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định theo trình tự thủ tục rút gọn…