Tự nguyện và đồng ý mới tiêm vắc xin

Ngày 3/8, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP HCM tổ chức họp báo trực tuyến cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết, theo thống kê từ các điểm tiêm cố định, lưu động tại quận - huyện, TP Thủ Đức và một số bệnh viện, TP HCM đã tiêm được 920.329 liều vắc xin trong đợt 5.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức tại buổi họp báo. (Ảnh: Huyền Mai)

Hiện nay, có 4 loại vắc xin đang có mặt ở TP HCM gồm: Astrazeneca, Moderna, Pfizer và Vero Cell. Vắc xin được thành phố tiêm chủ yếu là Astrazeneca, Moderna và Pfizer, từ nguồn cung cấp của Bộ Y tế. Đến nay, Bộ Y tế đã cấp cho TP HCM 16 đợt vắc xin với tổng số khoảng 2,5 triệu liều; trong đó, khoảng 2 triệu người dân thành phố đã tiêm ít nhất 1 mũi, hơn 70.000 người được tiêm 2 mũi.

Theo ông Dương Anh Đức cho đến nay, chính sách của Nhà nước Việt Nam là tiêm vắc xin phòng COVID-19 miễn phí và tự nguyện cho toàn dân. Các loại vắc xin được cung ứng tiêm cho người dân hiện nay phải thỏa mãn 2 điều kiện: được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép sản xuất và Việt Nam cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Từ 3/8, TP HCM bước vào đợt 6 của chiến dịch tiêm vắc xin, dự kiến kéo dài đến hết tháng 8 với sự hỗ trợ của Chính phủ. Theo thống kê, TP HCM có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên, khoảng 2 triệu người đã được tiêm. Vì vậy, TP HCM đã đề xuất Bộ Y tế cấp khoảng 5 - 5,5 triệu liều vắc xin trong tháng 8/2021.

Về năng lực tổ chức, Sở Y tế huy động toàn bộ nguồn lực y tế công lập và tư nhân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành bạn cũng đã hỗ trợ nhân lực theo sự huy động của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng. Hiện nay, TP HCM đang triển khai 1.200 đội tiêm, công suất tiêm 250 người/đội/ngày, đạt tổng công suất 300.000 người/ngày (có thể nâng lên 350.000 người/ngày). Nếu được cung cấp vắc xin đủ và đúng tiến độ, có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng đợt 6.

leftcenterrightdel
 TP HCM huy động mọi nguồn lực để tiêm vắc xin, nếu được cung cấp vắc xin đúng tiến độ đến cuối tháng 8 sẽ có 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm. (Ảnh: HL)

Đảm bảo an sinh xã hội

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, thành phố đã hoàn tất việc thực hiện gói hỗ trợ 868 tỉ theo Nghị quyết 09/NQ-HĐND của HĐND TP HCM về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 và đang tiếp tục thực hiện các nội dung hỗ trợ khác.

Đến nay, kinh phí hỗ trợ người mất việc làm không có cam kết hợp đồng lao động là hơn 480 tỉ đồng; hỗ trợ hơn 11 tỉ đồng cho hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; giải quyết hỗ trợ hơn 10.400 điểm kinh doanh với số tiền gần 16 tỉ đồng; hỗ trợ 44.244 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương gần 84 tỉ đồng; hỗ trợ gần 400 triệu đồng cho khoảng 200 lao động bị chấm dứt, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, TP HCM còn nhận được hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội khác với tổng số tiền hơn 2.143 tỉ đồng. Số tiền trên được sử dụng cho việc thu mua trang thiết bị y tế, hỗ trợ các hộ dân, lực lượng tuyến đầu,…

Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Lê Hoài Nam cho biết TP HCM tổ chức kỳ thi THPT đợt 1 theo kế hoạch của Bộ Giáo dục - Đào tạo với 85.927 thí sinh dự thi. Hiện tại, công tác chấm thi đã thực hiện xong và đang tiến hành phúc khảo.

Đối với 3.234 thí sinh nằm trong diện F0, F1, sinh sống trong khu phong tỏa, chưa thể tham gia dự thi đợt 1, TP HCM sẽ thực hiện xét đặc cách tốt nghiệp cho các thí sinh này. Tính đến hiện tại, TP HCM có 2.044 thí sinh đủ điều kiện đặc cách.

Giảm F0 nặng và tử vong

Kết luận tại họp báo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi thông tin thêm về vấn đề công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19; các biện pháp hỗ trợ người dân tại TP HCM về quê và việc điều trị bệnh nhân nặng.

leftcenterrightdel
Phó Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi phát biểu kết luận tại buổi họp báo. (Ảnh: HMC) 

Về vắc xin, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, đây là giải pháp quan trọng để TP HCM đạt được trạng thái bình thường mới. Do vậy, ngoài nguồn cung vắc xin từ Trung ương, TP HCM đã chủ động báo cáo, xin Chính phủ cho phép thành phố sử dụng nguồn lực ngân sách, nguồn vận động, hỗ trợ để chủ động tìm kiếm nguồn vắc xin bổ trợ. UBND TP HCM đã làm việc, ký biên bản ghi nhớ về cung ứng vắc xin; tuy nhiên đến nay, ngoài nguồn cung từ Trung ương, TP HCM vẫn chưa nhận được nguồn vắc xin chủ động.

Từ nguồn vắc xin được phân bổ, thành phố đã triển khai các đợt tiêm chủng minh bạch, tự nguyện. Chất lượng việc tiêm đảm bảo an toàn; tiến độ, số lượng ngày càng nhanh hơn do thành phố đã cải tiến, rút kinh nghiệm và tăng năng lực tiêm. Riêng với 1 triệu liều vắc xin Vero Cell đang được Bộ y tế thẩm định, nếu được phép lưu hành, sẽ đưa vào tiêm như các loại vắc xin khác trên tinh thần tự nguyện.

Thời gian tới, để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất, TP HCM đang tổ chức lại công tác tiêm và huy động thêm các nguồn lực, cố gắng đạt trung bình khoảng 300.000 liều/ngày. Cuối tháng 8, nếu đảm bảo nguồn cung và tiến độ cung vắc xin, sẽ có có mức bao phủ vắc xin đạt 70 - 80% cho người từ 18 tuổi trở lên. TP HCM cũng sẽ kiên trì làm việc với đối tác đã cam kết cung ứng vắc xin để đa dạng hóa, tăng nguồn vắc xin cho người dân.

Về các biện pháp hỗ trợ người dân về quê, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, TP HCM có lượng người dân từ các tỉnh, thành đến học tập, sinh sống và làm việc lớn. Nếu người dân về quê nhiều sẽ gây khó khăn cho địa phương trong công tác tiếp nhận trong thời gian ngắn, việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 cũng hạn chế người dân di chuyển.

Do đó, TP HCM đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm ở lại. "Trong giai đoạn khó khăn này, mong người dân thông cảm và đồng lòng, ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn. Riêng thành phố sẽ sử dụng mọi nguồn lực để chăm lo cho người dân, cam kết không để người dân thiếu đói. Các nguồn lực ngân sách và nguồn lực xã hội sẽ được huy động để chăm lo cuộc sống cho người dân", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu.

Để giúp đỡ người dân gặp khó khăn, TP HCM đã thành lập Trung tâm tiếp nhận và điều phối viện trợ cấp thành phố, quận - huyện, phường - xã; phát huy mạng lưới, hệ thống chính trị cơ sở, các đoàn thể, tổ chức tình nguyện để nắm các đối tượng cần hỗ trợ. Đối với việc triển khai gói an sinh xã hội theo Nghị quyết 09, trong thời gian qua, một số đối tượng không được nhận hỗ trợ do không thuộc quy định của chính sách. Vì vậy, TP HCM đã đề nghị xã, phường, thị trấn rà soát, lập danh sách các đối tượng là người lao động, sinh viên không thu nhập, người không thuộc đối tượng của Nghị quyết 09 đang gặp khó khăn để kịp thời giúp đỡ.

Về công tác điều trị bệnh nhân nặng, khi chuyển chiến lược sang tập trung cho công tác điều trị, thành phố đã tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế để tiến hành điều trị theo mô hình tháp 5 tầng. Thời gian tới, sẽ tiếp tục bổ sung nhân lực, điều chỉnh quy trình, không để tình trạng bệnh nhân không được tiếp nhận hoặc tiếp nhận trễ và kịp thời có chỉ định, biện pháp điều trị để giảm tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong./.

Nguyễn Lánh