Áp dụng các biện pháp chống dịch theo từng khu vực
Chiều ngày 19/6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM tổ chức họp báo trực tuyến cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức chủ trì họp báo.
|
|
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức chủ trì họp báo. (Huyền Mai) |
Tại cuộc họp báo, ông Dương Anh Đức đánh giá, tình hình dịch bệnh tại TP HCM đang diễn biến phức tạp. Thành phố đã trải qua một thời gian giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, ổ dịch lớn nhất liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, phát sinh một số ổ dịch mới, trong đó quận Bình Tân và huyện Hóc Môn có nhiều ca nhiễm. Do đó, thành phố quyết định thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh và chặn đứng sự lây lan của biến chủng mới.
“Thành phố sẽ áp dụng các biện pháp giãn cách cụ thể tùy theo từng khu vực, trong đó sẽ thực hiện biện pháp mạnh ở những khu vực có nguy cơ cao, nới lỏng hơn với những khu vực ít nguy cơ. Việc áp dụng quy định về giãn cách sẽ dựa trên mức độ nguy cơ của từng khu vực theo quy định của Bộ Y tế”, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết.
Trong chiều 19/6, thành phố đã có quyết định phong tỏa khu vực ấp Tân Thới 2, ấp Tân Thới 3 và một phần ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn và khu phố 2,3,4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân kể từ 0h này 20/6 trong thời gian 14 ngày. Đối với các khu vực khác, trong ngày 19/6, thành phố sẽ ra chỉ thị riêng về các biện pháp tăng cường, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 để phù hợp với tình hình thực tế.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao không áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với quận Bình Tân và huyện Hóc Môn, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết, phương châm chống dịch của Chính phủ là khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Khi áp dụng biện pháp theo Chỉ thị 16 đối với một quận có dân số đông, địa bàn rộng sẽ vừa khó khăn cho tổ chức, vừa khó khăn cho người dân. Ngoài ra, thực tế cho thấy, tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn của quận có nhiều điểm khác nhau. Mặc dù số lượng ca bệnh ở quận Bình Tân nhiều, nhưng tập trung chủ yếu trong khu An Lạc đã được phong tỏa, còn lại các địa bàn khác tình hình vẫn ổn định.
Người dân không nên lo lắng tích trữ hàng hóa
Về vấn đề cung ứng hàng hoá, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở đã nhận được thông tin về việc người dân đổ xô mua sắm, tích trữ hàng hoá trong những ngày gần đây và nhận định, đây là tâm lý chung của người dân.
|
|
Chiều 19/6, TP HCM ghi nhận thêm 95 trường hợp nhiễm. (Ảnh: HCDC) |
Sở Công thương đảm bảo hàng hoá thiết yếu sẽ được cung cấp đầy đủ cho người tiêu dùng trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giá cả tăng đột biến hay thiếu hàng hoá trên diện rộng. Do đó, người dân không nên tích trữ hàng hóa, tránh tình trạng tập trung đông tại một số điểm phân phối.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương, trong thời điểm công tác chống dịch diễn ra nghiêm ngặt hơn, Sở đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, có phương án dự trữ, phân phối hàng hoá phù hợp. Cụ thể, Sở Công thương TP HCM đã tổ chức họp với Sở Công thương 22 tỉnh thành, thống nhất thiết lập đường dây nóng. Từ đó, các địa phương có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc nắm tình hình thị trường, tình hình sản xuất, cung cấp hàng hoá cũng như xử lý các vấn đề phát sinh.
Về vấn đề vận chuyển hàng hoá, Sở Công thương khẳng định, việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh hiện đang thuận lợi. Tại TP HCM, Sở đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải, xây dựng phương án ưu tiên để các xe lưu thông hàng hoá 24/24. Các doanh nghiệp có thể liên hệ với Sở Giao thông Vận tải để nhận giấy chứng nhận lưu thông trên tất cả các tuyến đường tại TP HCM.
Tối 19/6, TP HCM công bố 31 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 lây trong cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 1.481.
Đây là ngày số ca nhiễm TP HCM cao thứ ba, tính từ khi dịch xuất hiện đầu năm 2020 đến nay, với 135 trường hợp. Số mắc của TP HCM những ngày qua liên tục lập kỷ lục, với 417 ca trong ba ngày. Hôm qua, thành phố ghi nhận 149 ca, ngày trước đó là 137.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), 135 trường hợp nhiễm mới bao gồm 68 trường hợp là tiếp xúc của các ca bệnh đã công bố, phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa; 12 người liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa; 35 liên quan chợ khu phố 2 phường An Lạc, quận Bình Tân; 20 trường hợp phát hiện qua khám, xét nghiệm sàng lọc, đang điều tra dịch tễ.
68 trường hợp là tiếp xúc của các bệnh nhân đã công bố trước đó, bao gồm một ca liên quan nhân viên UBND quận 7, một liên quan chuỗi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, một liên quan vựa thu mua phế liệu đường Đề Thám quận 1, liên quan chuỗi Ehome 3 (6), chuỗi chung cư Phú Thọ quận 11 (6), chuỗi Hnam Mobile (6), chuỗi Công ty Minh Thông huyện Hóc Môn (13), chuỗi xưởng cơ khí Hóc Môn (1), chuỗi ấp Tân Thới 3 Hóc Môn (4), chuỗi công ty Kim Minh (4). Ngoài ra còn có các trường hợp liên quan các bệnh nhân, gồm ca 11793 (2), 11300 (4), 8448 (1), 9962 (2), 8872 (1), 9961 (3), 7764 (1), 12014 (1), 10583 (1), 10785 (1), 7764 (1), 12145 (1), 11739 (2), nhân viên Trạm y tế phường An Lạc (4).
Hôm nay, TP HCM bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm 836.000 liều vắc xin ngừa COVID-19, là phần vắc xin thành phố được Bộ Y tế ưu tiên phân bổ trong số gần một triệu liều do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của thành phố với tốc độ triển khai thần tốc vắc xin trong 7 ngày, cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.../.