leftcenterrightdel
 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí 

Trong báo cáo sáng nay tại Kỳ họp thứ 8, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, năm 2019, ngành Kiểm sát tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao, khắc phục cơ bản những tồn tại, hạn chế được Quốc hội chỉ ra trong hoạt động giám sát năm 2018, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống, tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết án hình sự tiếp tục tăng lên, hạn chế các trường hợp oan sai, bỏ lọt tội phạm. Đã yêu cầu khởi tố hơn 700 vụ án, hủy bỏ khoảng 50 quyết định khởi tố vụ án, hủy bỏ 72 quyết định không khởi tố vụ án.

Các Kiểm sát viên đã lấy lời khai gần 18.000 người bị bắt giữ, tạm giữ; kiểm sát hơn 89.000 hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra; ban hành hơn 66.600 yêu cầu điều tra vụ án; tiến hành một số hoạt động điều tra gần 30.000 vụ án. Thông qua đó đã không phê chuẩn và hủy bỏ gần 700 lệnh, quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam thiếu căn cứ, trái pháp luật; yêu cầu Cơ quan điều tra thay đổi, bổ sung và khởi tố mới gần 700 vụ án.

Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát đã xử lý kịp thời, nghiêm minh, đảm bảo yêu cầu chính trị, yêu cầu của pháp luật về các vụ án tham những, kinh tế lớn; Ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phòng chống tội phạm tham nhũng; kết quả các vụ án tham nhũng được khởi tố, điều tra tăng 3,9%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế trong hoạt động của Ngành như phải đình chỉ một số bị can do hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được bị can phạm tội; còn một số quyết định truy tố thiếu chính xác; tỷ lệ thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tăng.

Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế này là do vẫn còn một số Kiểm sát viên hạn chế về năng lực chuyên môn và trách nhiệm công vụ. Đây là vấn đề xác định cần có lộ trình và thời gian cần thiết để khắc phục. Số vụ án, vụ việc ngày càng tăng; nhiều nhiệm vụ mới tăng lên; các điều kiện trang thiết bị hoạt động còn chưa đáp ứng được yêu cầu; vẫn còn chỉ tiêu chưa đạt và khó đạt trong thực tiễn.

leftcenterrightdel
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp toàn thể sáng 4/11. 

Trên cơ sở chỉ ra kết quả đạt được và tồn tại hạn chế, Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội một số vấn đề.

Theo đó, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp thay thế cho các Nghị quyết trước đây để bảo đảm thống nhất các nội dung, trong đó các chỉ tiêu cần có tính khả thi, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng được yêu cầu pháp luật và năng lực hiện hữu của các cơ quan tố tụng.

Viện trưởng Lê Minh Trí cũng chỉ rõ, thực tế có 5 nguyên nhân ảnh hưởng đến các tồn tại, hạn chế của Ngành nhưng 2 nguyên nhân khách quan là số vụ án, vụ việc tăng trung bình cả Hình sự, Dân sự, Hành chính và yêu cầu của pháp luật đặt ra nhiều nhiệm vụ mới cho ngành Kiểm sát. Do đó, các chỉ tiêu giữ nguyên như các Nghị quyết hiện hành đã phải nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao mới thực hiện được, nay tăng lên làm khó khả thi, không thể thực hiện được trong thực tiễn.

Đồng thời, Viện trưởng VKSND tối cao cũng đề nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu xây dựng cơ chế pháp luật để giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và giao cho cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, điều kiện phù hợp thực hiện nhiệm vụ này để hạn chế những hậu quả gây ra từ văn bản quy phạm ban hành trái luật; có cơ chế xử lý và thu hồi sớm các tài sản Nhà nước bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tránh tính trạng đóng băng tài sản gây lãng phí và các hệ lụy khác.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong việc lập hồ sơ, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung, đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/1/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và có cơ chế xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo yêu cầu của Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy./.

Xuân Hưng